Việt Nam hôm nay

https://lh4.googleusercontent.com/jwHXKk9yK83mb2U0iyp-OSXs7OZgoEcJKB4V-xqOO7STOu0djuO_hHd_dM8GkXjIamwCDoDrZRAdRPT5gaYIUOXwHgEk7mRpK7R7aGCo-eeVOtK72Nk

Sunday, 24 February 2019

Về nước, thấy gì, nghĩ gì? “Nhân dân Việt Nam Anh Hùng…”

  
Về nước,
thấy gì, nghĩ gì?
        
“Nhân dân Việt Nam
Anh Hùng…”

Bài 14


“Lộ diệc tương trì,
Ngư ông đắc lợi”

“Nhân dân Việt Nam anh hùng”. Câu nầy nghe rất quen, dĩ nhiên, trong xã hội Cộng Sản ở phía Bắc vĩ tuyến 17 và ở miền Nam Việt Nam, sau ngày ba mươi tháng Tư/ 75.

Bài “Giải Phóng Miền Nam” (?), “quốc ca” của cái gọi là “Chính phủ Cộng hòa Lâm thời Miền Nam Việt Nam” của các “con bù nhìn” Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Bình… do “con bù nhìn” Lưu Hữu Phước viết, cũng có câu dụ khị đó:  “Vùng lên! Nhân dân Việt Nam anh hùng”. 

Ai chẳng biết đây là câu tuyên truyền. Thanh (và cả thiếu niên) miền Bắc, nghe câu tuyên truyền nầy mà tình nguyện vô bộ đội để “đi Nam”, “giải phóng miền Nam” cho xứng với người con trai của một “dân tộc anh hùng”.

Thanh niên miền Nam cũng đâu có “thua”, mặc dù họ không bị chính quyền miền Nam tuyên truyền như Cộng Sản, - bởi vì nói về tuyên truyền, các cơ quan tuyên truyền miền Nam, từ Bộ Dân Vận - Thông Tin - Chiêu Hồi cũng như cơ quan Tâm Lý Chiến của Quân Đội VNCH làm việc dở ẹt, quan liêu, “văn phòng”, ngồi ở “hậu phương” hơn xông pha ngoài mặt trận, đâu có dám về tận thôn ấp để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân quê, chia xẻ gian lao nguy hiểm cùng với người dân, người “lính” Nhân Dân Tự Vệ…

Thế nhưng người dân miền Nam lại hăng hái gia nhập quân đội VNCH, đánh giặc cũng chì, gian khổ hiểm nguy không ngại. Việt Cộng nghe “đụng” tới “Cọp Ba Đầu Rằn”, “Cọp Biển”, “Thiên Thần Mũ Đỏ” thì xiêu hồn bạt vía, chỉ muốn “chém vè”.

Người thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam học cái “tính anh hùng” trong lịch sử do thầy cô dạy ở trường học, từ lớp Ba, lớp Bốn: Quang Trung, Lê Lai, Lê Lợi… từ “Áo chàng đỏ tựa ráng pha…” trong Chinh Phụ Ngâm học ở lớp Đệ Ngũ (lớp 8), từ “Râu hùm hàm én mày ngày” trong Truyện Kiều ở năm Đệ Tứ (lớp 9), từ “Nguyễn Thái Học “không thành công thì thành nhân”, trong Lịch Sử Việt Nam chống Pháp, từ Dũng trong Đoạn Tuyệt học ở lớp 11 hay từ những câu hò, câu hát của chị, của mẹ sau lũy tre làng: “Làm trai cho đáng nên trai…”, “Trai gì trai ốc, trai rêu”…

Hai động lực, một là từ chính trị - trong xã hội Cộng Sản - một là từ giáo dục và xã hội, - trong xã hội miền Nam - đã tạo nên những người “lính Cộng Sản” và “lính Quốc Gia” khác nhau. Một bên là đi theo “con đường mù quáng” vì bị tuyên truyền như Phạm Đình Giót, Cù Chính Lan, Lê Mã Lương…    Đó là lính của “giai cấp vô sản”, của “xã hội vô sản”. Còn một bên là đi theo con đường “truyền thống dân tộc” đã có từ trong lịch sử, văn hóa dân tộc: Con đường “người lính miền Nam” đã chọn.

Nói một cách trung thực, việc cổ vũ, khuyến khích, thúc đẩy hay tuyên truyền, - theo cả hai nghĩa xấu và tốt đã đưa dân tộc Việt Nam vào một cuộc đấu tranh, chém giết, nội chiến, tương tàn… kéo dài 30 năm, từ tháng 8 năm 1945 đến 30 tháng Tư/ 1975 thì chấm dứt. Nó có ý nghĩa gì, có mục đích gì, có lý tưởng gì?

Bảo rằng nó không có ý nghĩa, lý tưởng gì hết thì không đúng, mà bảo rằng nó có lý tưởng đấy, mục đích đấy, ý nghĩa đấy thì cái “hay đẹp” ấy xảy ra lúc nào, ở đâu, của phe phái nào, miền Bắc hay miền Nam và có đem lại ích lợi gì cho dân tộc Việt Nam không thì sự hiểu biết, quan điểm của chúng ta cũng chưa rõ ràng!

Người ta sẽ đặt ra những câu hỏi:
-Có phải đây là cuộc chiến tranh giành độc lập cho dân tộc thoát vòng “một trăm năm đô hộ giặc Tây”?
-Có phải đây là cuộc chiến tranh “Chống Mỹ cứu nước” như người miền Bắc tự hào về “công lao” của họ, hay chỉ là để “Xây dựng Xã Hội Xã Hội Chủ Nghĩa”, hoặc nói huỵch tẹt như Lê Duẫn: “Ta đánh đây là đánh ho Liên Xô, Trung Quốc” tức là “đánh giặc thuê” cho Nga Tàu.
-Có phải đây là cuộc chiến đấu của những “người Quốc Gia” vì Quốc Gia nhưng Cộng Sản bôi lọ là “Việt gian bán nước”?
-Có phải đây là cuộc chiến đấu của Người Miền Nam “Bảo vệ Tự Do” cho dân tộc và Thế Giới Tự Do”?

Hơn thế nữa, cuộc “Chiến Tranh Ba Mươi Năm” nầy đâu chỉ có người Việt Nam bắn giết nhau mà thôi đâu! Súng đạn, xe tăng, đại bác, tàu bay, tàu thủy… từ đâu mà đến? Còn quân đội ngoại nhập nữa chi? Ở miền Nam thì công khai quân Mỹ, quân Úc, quân Thái… Ngoài Bắc thì lén lút che dấu quân Tàu Cộng, quân Liên Xô… Đằng sau súng đạn vũ khí ngoại nhập là “học thuyết” ngoại nhập không thiếu màu sắc “đế quốc”. Đế Quốc Cộng Sản và “đế quốc La Mã” của Vatican?”

Từ những “yếu tố” đó, người Việt Nam thẳng tay giết nhau không chùn tay, không e ngại; máu chảy thành sông, xương chất thành núi. Chỉ riêng một cuộc chiến tranh “giải phóng miền Nam”, bọn Cộng Sản Hà Nội đã đẩy 3 triệu người Việt Nam, kể cả hai miền Nam Bắc vào vòng tử địa.

Việc trả lời những câu hỏi trên, nếu theo chủ quan của mình, thì không khó. Nhưng lịch sử, vốn tôn trọng vô tư và “trong sạch” thì đâu phải dễ. Đâu có thể chấp nhận quan điểm của Cộng Sản tự cho mình có công “Đánh Pháp, đuổi Mỹ” đem lại độc lập cho dân tộc mà không phải là làm tay sai cho Nga Tàu. Bên cạnh đó, những người từng làm tay sai cho thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ lại trở thành “người yêu nước”?

Công việc quan trọng nầy, nhìn cho đúng với những đặc tính của lịch sử thì phải dành cho các sử gia, những người có đủ trình độ, can đảm và vô tư như Tư Mã Thiên!

Đánh nhau xong rồi, cả hai phe ba phía lên tiếng ca ngợi “dân tộc Việt Nam anh hùng” trong cuộc tương tàn đó! Ai là anh hùng trong việc bắn giết nhau giữa những người Việt Nam với nhau, cùng máu đỏ da vàng. Ai chịu trách nhiệm trước những thảm cảnh của cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm nầy?

Người bạn cũ ở Saigon nói với tôi:
-Nói vậy là “ông” muốn giao cái trách nhiệm cho ngưởi đời sau. Ít ra, vài ba chục năm nữa, hay có thể cả trăm năm nữa không chừng, khi “dư âm” của cuộc tương tàn nầy lắng xuống rồi, người đời sau thấy ít liên hệ với cuộc chém giết nầy thì các sử gia mới có thể vô tư nhận định về cuộc xung đột của cha ông, tổ tiên họ. Tuy nhiên, ít ra, hiện nay, trong tình trạng “hùm bà lằng” nầy, chúng ta vẫn có một thái độ như thế nào đó, được coi là vô tư nhất, để chúng ta tự thấy mình cao hơn những người cuồng tín một cái đầu. “Bạn” nghĩ sao?”
Tôi nói:
-“Tôi lấy trường hợp gia đình tôi làm ví dụ. Không phải là điển hình, mà chính là tình trạng chung của nhiều gia đình Việt Nam. Từ đó, chúng ta có quan điểm chính trị đứng đắn hơn. Đó là những gia đình “phân đôi”, nghĩa là gia đình có những người theo bên nầy, những người theo bên kia. Trường hợp nầy, ông Võ Văn Kiệt từng nói, nhưng ông ta không làm được gì cả, hay ông ta muốn làm mà không làm được: “Một triệu gia đình vui, một triệu gia đình buồn”.

Mẹ tôi sinh bốn người con trai: Anh cả tôi “can tội làm Việt Minh”. Đó là câu ông “quan một” Lê Nhữ Hùng - gốc ông ta là lính Khố Xanh của Tây, mang “loon” “đội, sau nầy ông là đại tá “hầu cận” Tổng Thống Diệm - nói với mẹ tôi năm 1949, khi ông ta đến văn phòng tòa báo của ông anh tôi lục soát, tịch thu tài liệu báo chí… Ấy là một người. Người thứ hai là con út mẹ tôi, là “Hùng móm”, đại đội trưởng 112/ tiểu đoàn 11 Dù, hy sinh tại chiến trường vào tháng 7 năm 1972, khi tấn công Cộng Sản, tái chiếm thành phố Quảng Trị. Ấy là chưa kể cha tôi cũng đau bệnh mà qua đời ở chiến khu Ba Lòng năm 1948, khi ông “theo Kháng Chiến”. Tôi không nghĩ là họ không có lý tưởng, nhưng không ai là Cộng Sản cả, không ai bị tuyên truyền mà chết uổng như những người “xương trắng Trường Sơn”.

-“Theo tôi nghĩ thì như thế nầy. Về “Cuộc Chiến Tranh Đông Dương Lần Thứ Nhất”, - 1946-54 - như báo chí Tây phương thường gọi, thì giai đoạn đầu của nó, như “Nam Bộ Kháng Chiến”, như chống Pháp khi Pháp mới trở lại xâm lăng nước ta, thì xem thường công lao và sự hy sinh của họ là không được. Còn như từ khi Cộng Sản “biên chế”, khoảng các năm 1950, 51, những người không phải “thành phần” bị “biên chế”, bị đuổi về, bị loại ra khỏi hàng ngũ, sinh hoạt Cộng Sản thì cuộc chiến đấu đã chuyển sang màu sắc khác: Màu đỏ, chiến đấu cho “lý tưởng Cộng Sản”, xây dựng chế độ Cộng Sản, còn gì là “giành độc lập cho dân tộc” nữa.”

-“Còn như cuộc chiến tranh “giải phóng miền Nam”. Tôi hỏi.
-“Ngày nay, chỉ còn bọn tuyên truyền của đảng Cộng Sản mới gọi “Giải phóng miền Nam”, còn như trong dân chúng, ai nói câu đó, người ta cười cho. Người ta cho rằng, cái mà người Bắc vô giải phóng miền Nam là “giải phóng” tiền bạc, tài sản, tiền của, xe cộ, nhà cửa của người miền Nam. Đó là môt cuộc viễn chinh. Quân viễn chinh bao giờ cũng có những đặc tính giống nhau, như người Pháp xâm lăng Việt Nam, Đức xâm lăng Pháp, như những cuộc “Thập Tự Chinh” bên Trung Đông, Bắc Phi hồi mấy thế kỷ trước. Cuộc viễn chinh của Cộng Sản Bắc Việt ở miền Nam còn tệ hơn cuộc chiếm đóng Việt Nam của quân Nhật sau rận Trân Châu Cảng.
-“Người dân cho rằng đây là cuộc viễn chinh?” Tôi hỏi.
-“Ai cho? Tự cái bản chất cuộc xâm lăng của Bắc Việt nó hiển hiện ra như thế thì người dân gọi như thế. Điều nầy, không phải là tuyên truyền. Tuyên truyền không thể sâu rộng như thế!” 
-“Có cuộc viễn chinh nào được gọi là “anh hùng” không? Tôi hỏi.
            -“Không có cuộc viễn chinh nào được coi là vinh quang hay anh hùng cả vì nó là “xâm lăng”, không có chính nghĩa. Đó là sự tuyên truyền của Hà Nội về “đảng quang vinh” hay “dân tôc anh hùng”. Tôi nói là có căn cứ: Vua Quang Trung với quân Tây Sơn chỉ có thể là anh hùng khi đánh tan hai mươi vạn quân Thanh; còn như khi quân Tây Sơn đánh tan quân Nguyễn Ánh trong cuộc tương tàn dân tộc thì có ai gọi đó là anh hùng đâu. Bắc Việt xua 15 sư đoàn tấn công miền Nam năm 1975 thì gọi nó là cái gì? “Vinh quang”? “Anh hùng”? Hay “tương tàn”? “Bạn” hãy trả lời tôi đi! Người cha, người anh ở trong quân đội Bắc Việt, theo đoàn quân chiến thắng vào miền Nam bắn giết người con, người em trong quân đội VNCH thì gọi việc đó là cái gì? Vinh quang? Anh Hùng? Hay “cha giết con”, “anh giết em”? Có gì là vinh quang, anh hùng “Đàn con nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng,
Chiều nay không có em, xác phơi trên mái lầu…”

“Ông” thử coi lại lịch sử Mông Cổ xâm lăng thế giới mà coi. Người Mông Cổ đánh giặc giỏi. Đánh giặc giỏi không thể gọi là anh hùng. Nhưng bản chất quân viễn chinh thì giống nhau. Lịch sử viết lại khi quân Mông Cổ chiếm đóng thì bọn chúng làm những gì? Còn như câu Đỗ Mười nói thì y nói những gì:“Tài sản nó, chúng ta tịch thu; bọn chúng, ta cho tù đày; vợ chúng, ta lấy, con chúng, ta bắt làm nô lệ.” Hành động như thế là hành động của quân viễn chinh, nhưng miệng thì tuyên truyền là giải phóng, quân đội anh hùng, dân tộc anh hùng.”

Tuy nhiên, nhìn một cách vô tư, trung thực, thẳng thắn thì “Người Việt Nam có phải là một dân tộc anh hùng?

Nếu nói về tính “anh hùng”, một cách vô tư, không tự mình vẽ râu cho mình, thì người Nhật là người như thế nào? Người Đức là người như thế nào? Và “Nam tử Hán” là người như thế nào?
Một cách trung thực mà không kiêm nhượng, thì người Nhật, về một số mặt, họ hơn hẳn người Việt Nam. Không phải vì cuốn sách của Hitler, cuốn Mein Kaft mà dân tộc Đức là những người xuất sắc, anh hùng, trong khi đó, người Tàu thường tự hào về họ, tự gọi là “Nam tử Hán” thì “Nam tử” bao giờ cũng “tam thập lục kế” trước thiên hạ. Người Tầu là hèn nhất trong số những dân tộc hèn.

Như vậy thì người Việt Nam có anh hùng hay không?

Có người nhận xét người Việt Nam là “một dân tộc hiền hòa”. Cái “hiền hòa” của người Việt có “bà con” gì với an phận, nhẫn nhục, cam chịu. Trước 1945, một anh thanh niên nhà quê đi với vợ mới cưới, gặp tên lính lệ chọc ghẹo vợ mình mà anh thanh niên “làm lơ”, sợ, không dám phản ứng. Đọc “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng, quan viên cả làng Quỳnh Thôn đâm đơn kiện vụ Nghị Hách hiếp Thị Mịch, vậy mà vì uy quyền của tên quan huyện ăn tiền Nghị Hách mà cả bọn quan viên sợ hãi nên xin rút đơn kiện.

Đâu chỉ có một anh chàng nhà quê mới cưới vợ hay quan viên làng Quỳnh Thôn như thế đâu! Vì tính cầu an và cam phận nên người Việt mới bị “một ngàn năm nô lệ giặc Tầu, một trăm năm đô hộ giặc Tây”, nếu không thì họ đã có thể vùng dậy sớm hơn. Hiện giờ, bao nhiêu cảnh đói khổ đang diễn ra trên nhiều vùng đất nước, Việt Cộng đang đàn áp và bóc lột khp nơi, tham nhũng bất công tràn lan, chỉ một vụ Formosa làm cho hơn nửa triệu người điêu đứng vì cá chết, ngư dân đành bỏ lưới bỏ thuyền tha phương cầu thực, lưu lạc vô tới miền Nam, qua tới Lào, Miên mà không có một vụ phản kháng, đấu tranh cho ra hồn có thể làm cho bọn cầm quyền run sợ. Đó không phải vì tinh thần đối kháng của người dân còn yếu hay sao?

Dù sao, nhìn chung vào lịch sử, người Việt Nam cũng đã từng đứng lên đánh đổ ách nô lệ, cởi bỏ tròng đô hộ, đánh Tầu, đuổi Tây. Những cuộc khởi nghĩa trong lịch sử, kể từ xưa thường phải có người lãnh đạo vì quần chúng thiếu tinh thần tự chủ hay chăng?

Thật ra, dân tộc nào “đứng lên” mà không có người lãnh đạo, ngoại trừ cách mạng Pháp 1789 có vẻ li kỳ. Cách mạng Mỹ thì có Washington, Cách mạng Nhựt thì có Minh Trị Thiên Hoàng, cách mạng Tàu thì có Tôn Văn. Cách Mạng Pháp thì không có lãnh tụ nổi bật.

Người bạn hỏi tôi: “Cách mạng Việt Nam thì có Hồ Chí Minh, phải không?”
-“Tôi không nghĩ như vậy! Ngày toàn dân vùng lên, biểu tình ở Hà Nội là ngày 19 tháng 8. Sau ngày đó thì cách mạng nổ ra ở nhiều nơi. Những ngày đó Hồ Chí Minh ở đâu? Mãi tới ngày 25 tháng 8, sáu ngày sau, sau khi cỗ bàn bày ra, ông ta mới có mặt ở Hà Nội. Thật ra, cuộc biểu tình ngày 19 tháng 8 năm 1945 là do công chức Hà Nội mà ra, nửa chừng bị Việt Minh cướp công. Rõ ràng những cuộc biểu tình cướp chính quyền trong cái gọi là “Cách mạng tháng Tám” là hậu quả của nhiều sự kiện lịch sử, không do Việt Minh làm nên. Nó là hậu quả của cuộc Thế giới Chiến tranh thứ 2, là hậu quả nạn đói hai triệu người chết vào năm Ất Dậu, là Nhật đầu hàng Đồng Minh, là sự yếu kém của chính phủ Trần Trọng Kim và thái độ quân tử không tham quyền cố vị của chính phủ ấy, là cái “nhát gan” của ông Bảo Đại. Công lao lớn nhứt của cuộc cách mạng nầy không phải của Việt Minh mà của ai, “bạn biết không?”
-“Không!” Tôi trả lời gọn lỏn.  
-“Thanh niên Tiền phong. Thanh niên Tiền phong với sự góp sức của Hướng Đạo. Thanh niên Tiền phong hồi đó mạnh lắm, mà nhiệt tình chống Pháp thì rất cao, nhất là ở miền Nam và miền Trung. Bởi họ là phong trào yêu nước, không có tham vọng chính trị nên họ đã lầm mà nhường quyền lãnh đạo cho Việt Minh. “Ông” có nhớ không, những người treo cờ Việt Minh trước ngày biểu tình ở Huế như Đặng Văn Việt, Cao Phan, Lâm Minh Quang…  là mấy ông Hướng Đạo và Thanh niên Tiền phong cả đấy. Những ngày “cướp chính quyền”, “cướp kho lúa” hồi ấy, là do Thanh niên Tiền phong, Hướng đạo về các quận huyện chung quanh Huế kêu gọi nông dân tham gia. Chính ông Thiệu cũng là người lãnh đạo Thanh niên Tiền phong ở Phan Rang, vận động dân chúng tham gia biểu tình. (1). Nếu bảo rằng Cộng Sản “cướp công cách mạng” thì trước nhất là cướp công những người nầy. (2). Nhưng người Việt Nam có cái dở.”
-“Cái gì? Tôi hỏi.
-“Không tin vào mình, không tin vào sức mạnh của mình mà tin vào thần quyền.” Người bạn tôi trả lời.
-“Anh có nhận xét đó hay đấy. Không tin ở chính mình nên họ không nổi dậy được, không làm cách mạng được.”
-“Đúng đấy. “Bạn” thử nghĩ “Lê Lợi vi vương, Nguyễn Trãi vi thần”, “hồ Hoàn Kiếm” là cái gì…” Những việc nầy, tôi nghi Nguyễn Trãi là tác giả. Ông ta bày đặt ra, dân chúng tin có thật. Đó vừa là do cái tính dễ tin ma quỷ, thần quyền của người Việt với trình độ kiến thức của người dân ở thế kỷ 15. Cho nên Cục Tâm Lý Chiến chọn ông Nguyễn Trãi làm “thánh tổ” là việc rất tào lao. Không lý ở thế kỷ hai mươi mà còn tin chuyện rùa vàng nổi lên ở ngay Hà Nội. Đem cái hữu thần mà chống vô thần Cộng Sản như thế, ai có thể cho rằng họ có trình độ hiểu biết sâu sắc.”
-“Nhưng chuyện Hòn Đá Dao ở Tri Thủy bị nghiêng một bên thì sao?” (3) Tôi hỏi.
-“Tôi cũng không hiểu! Biết đâu đó chỉ là “hazard” của cuộc đời mà nhiều người cho là “phép lạ” của Chúa, của Phật của những người cuồng tín.” Người bạn trả lời.
-“Có khi tôi cũng tin là “hazard” mà cũng có khi tin là “điềm Trời” chớ không tin “phép lạ” của Chúa hay Phật.”
-“Có một điều vui lắm.” Bạn tôi nói. “Ông Thiệu rất thường nói tới “huyệt đế vương”. Ai có mồ mả ông bà chôn nhằm “huyệt đế vương” mới làm tổng thống được! “Ông” biết tại sao không?”
-“Ông ta sợ đảo chánh chớ gì!” Tôi trả lời.
Nói xong, tôi cười. Bạn tôi cũng cười.

Một lúc, tôi hỏi:
-“Mai dây, dân chúng có đứng lên lật đổ chính quyền Cộng Sản được không?”
-“Sao “ông” lại hỏi thế? Kinh nghiệm là “điều kiện lịch sử”. Tình hình bây giờ đã có điều kiện gì chưa? Mức độ phẩn uất, phản kháng chế độ tới mức nào rồi. Ngày xưa, mức độ ấy có đủ ở trong nước là được. Ngày nay, các “đế quốc” – “đế quốc” là tôi nói chung, thật ra là “cường quốc” có gì cho ta. Nói chung, bọn đế quốc, cường quốc chỉ là bọn “ngư ông đắc lợi”.
-“Nhắc chuyện ấy, tôi nhớ ông Hồ Đắc Hanh.”
-“Ông Hanh dạy bọn mình lớp Nhất. Ông chết ở bên kia sông Thạch Hãn khi làm trung tá?”
-“Ông đó chớ ai! Tôi nhớ ông dạy bài “Lộ diệc tương trì, ngư ông đắc lợi”. Tôi thích bài ấy lắm, thuộc lòng, đọc một hơi. Ông cho tôi 10.”

 Nói xong, tôi đọc:

“Nước Triệu toan đánh nước Yên. Tô Tần vì nước Yên, sang nói với vua nước Triệu là Huệ Vương rằng:
“Vừa rồi tôi đi ngang trên bờ sông Dịch Thủy, thấy con trai đang há miệng nằm trên bãi. Có con cò đâu đấy, đến mổ ngay vào thịt trai. Trai liền ngậm miệng lại.
Cò nói: “Ngày nay không mưa, ngày mai không mưa; thế nào trai cũng phải chết!”
Trai nói: “Ngày nay không rút được mỏ, ngày mai không rút được mỏ; thế nào cò cũng phải chết!”
Hai bên găng nhau, chẳng ai chịu ai. Có ông lão đi đến, liền chộp được cả trai lẫn cò.”
Nay nước Triệu đem quân đánh Yên. Nước Yên tất phải đánh lại. Hai bên đánh nhau, chẳng ai chịu ai. Tôi e nước Tần sẽ nhân cơ ấy, đánh chiếm cả Triệu lẫn Yên.
Huệ Vương nghe phải, bèn bỏ việc đánh Yên./

-“Ông” thuộc cả bài! Hay đấy.”
-“Mấy năm sau, tôi cũng dạy cho học trò bài ấy, nhưng tìm trong “Cổ Học Tinh Hoa” không thấy. Hình như nó ở cuốn 3. Cuốn ba thì người ta tìm chưa ra. Sách cũ quá rồi.

Người bạn hỏi:
-“Ai là trai, ai là cò?”
-“Bắc hay Nam gì cũng được! Không khôn gì hơn trai cò đâu mà lại muốn làm anh hùng.” Tôi nói.
-“Còn ngư ông?” Bạn tôi lại hỏi.
-“Thằng Mỹ hay thằng Tàu hay cả hai. Thằng nào cũng như thằng nào. Nhờ người Việt đánh nhau 30 năm, nên hai thằng đó chiếm được ngôi vị nhứt nhì!”

hoànglonghải


(1)Thanh niên Tiền phong: Thanh niên Tiền phong là một tổ chức chính trị - xã hội hoạt động chủ yếu tại Nam Kỳ trong năm 1945. Đây là tổ chức có đoàn thể mạnh nhất và là lực lượng chính của một số tỉnh thành ở miền Nam Việt Nam tham dự sự kiện Cách mạng Tháng Tám.

Khởi đầu tổ chức là tập hợp của các hội Ái hữu học sinh Nam Kỳ cuối thập niên 1930, về sau phát triển trong bộ phận sinh viên của Tổng hội Sinh viên Đông Dương. Đây chính là nơi tập hợp các hạt nhân thanh niên trí thức yêu nước, có tinh thần dân tộc, tổ chức các hoạt động xã hội, giáo dục truyền thống yêu nước, bí mật hoạt động chính trị và chống Pháp.

Sau khi Pháp thất trận ở chính quốc và quân đội Nhật xâm nhập Đông Dương, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của dân bản xứ, tháng 12 năm 1941, Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux đã cử Trung tá Maurice Ducoroy tổ chức các phong trào xã hội và nới lỏng một số quyền tự do cho dân bản xứ. (Tuy nhiên, các phong trào này đều được các cán bộ Việt Minh nhanh chóng thâm nhập và sớm định hướng mục tiêu gây ảnh hưởng trong quần chúng và giáo dục truyền thống yêu nước, tuy tránh đả động đến chính quyền.) - Phần nầy sai! – tg)

Bên cạnh đó, các giáo phái được Nhật hỗ trợ cũng phát triển phong trào chính trị của họ mạnh mẽ:
-Cao Đài đông hàng triệu người, tỉnh nào cũng có, họ tập trung ở Sài Gòn đến mấy vạn làm công nhân và làm binh lính. Lực lượng Cao Đài có Đảng Phục Quốc của Trần Quang Vinh.
-Hòa Hảo đông hàng chục vạn người, nhiều nhất là ở Hậu Giang, tập trung tại Sài Gòn đến vài ngàn. Hòa Hảo có chính đảng là Dân Xã Đảng.
-Giáo phái Tịnh độ cư sĩ có hàng vạn quần chúng, họ không tập trung lên Sài Gòn, nhưng làm cơ sở quần chúng cho Quốc gia Đảng.
-Phe Trotskyist không có đông quần chúng nhưng một cánh Trotskyist là cánh Hồ Vĩnh Ký, Huỳnh Văn Phương cầm đầu Sở Mật thám và Sở Cảnh sát Nam Kỳ tạo thế cho các cánh khác hoạt động.
-Nhiều tổ chức khác có năm, bảy trăm, vài ba ngàn người hợp tác với Sở Sen đầm Kempeitai của Nhật.

















Posted by: David Hoang 

Featured post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-18/11/2024

My Blog List