KỲ THỊ VÙNG MIỀN –
NHÌN TỪ TRẢI NGHIỆM CÁ NHÂN
Nguyễn Thị Hậu
Từ nhiều năm nay bên cạnh những gạch đá “mũi tên
hòn đạn” kể cả đại bác bắn ra từ “bên thắng bên thua” nóng bỏng vào dịp 30/4
thì sự kỳ thị Bắc – Nam lại như những đợt sóng ngầm trong xã hội. Chỉ cần ném
xuống một “hòn sỏi” là bài báo mạng hay status trên facebook lập tức biến thành
cơn bão trên đại dương truyền thông. Cơn bão này có sức tàn phá khủng khiếp, để
rồi sau đó lòng người tan hoang hơn bởi những vết thương chưa kịp lành lại tiếp
tục bị làm cho lở loét!
Không thể không nhận thấy tình trạng này ngày
càng trở nên nặng nề, tiêu cực. Nếu trước năm 1975 nói về những khác biệt về
văn hóa, lối sống Nam Bắc chỉ là sự nhận biết và phân biệt thì hiện nay trở
thành sự so sánh hơn thua và kỳ thị. Không chỉ ở tầng lớp bình dân mà nhiều
“văn nhân” đã phát ngôn gây ra mồi lửa cho sự kỳ thị bùng phát. Đặc biệt những
phát ngôn ấy qua báo chí đặt tựa gây sốc, có sự tiếp tay của những facebooker
chỉ đọc tựa dẫn link và comment chửi bới, rồi từ chuyện cá nhân dẫn đến chuyện
gia đình họ hàng sự nghiệp… Những định kiến chính trị, sự ác cảm với chính
quyền, sự tự tôn “trung tâm” tự hào “chuẩn mực” một cách quá đáng… đều là những
chất đốt rất tốt cho cái lò kỳ thị Bắc Nam bùng cháy dữ dội.
Sự kỳ thị Bắc Nam bộc phát như vậy cũng giống
như những phản ứng khác trong xã hội vì bất cứ lý do nào. Nó phản ánh sự dồn
nén về tinh thần, khủng hoảng niềm tin (như người ta thường nói) và sự hụt hẫng
trầm trọng văn hóa ở khía cạnh tri thức nhân văn và tôn trọng con người.
*
Đây thực sự là chuyện vô cùng tế nhị và nhạy
cảm, không chỉ về văn hóa mà còn về chính trị nữa! Tôi không muốn nhắc lại,
khơi gợi chuyện này nhưng chưa bao giờ tôi thôi nghĩ về nó, bởi vì nó luôn hiện
diện trong cuộc đời tôi, dù muốn hay không vẫn cảm thấy bị tổn thương mỗi khi
sự việc lại ồn ào trên mạng ngoài đời.
Tôi là một người được sinh ra tại Hà Nội khi ba
má tôi từ miền Tây Nam bộ tập kết ra Bắc. Năm 1975 cả nhà tôi về quê, về Sài
Gòn. Từ nhỏ tôi luôn nhớ rằng quê mình ở miền Nam và từ khi vào Nam, tôi không
nguôi nhớ về Hà Nội của thời thơ ấu. Cũng từ nhỏ tôi được dạy rằng, ở đâu cũng
có người tốt người xấu, ở đâu mình cũng phải sống tử tế, mà điều tử tế đầu tiên
là không được vô ơn bội nghĩa.
Khi ở miền Bắc tôi còn là một cô bé rồi thành
thiếu nữ, tôi hay phải nghe người lớn nhận xét “con gái gì mà như cột nhà
cháy”, “con gái gì mà như cái sào chọc cứt”, “con gái gì mà nói chuyện với con
giai tự nhiên như ruồi”… Con gái gì mà…? Và người ta thản nhiên kết luận, “à nó
là con gái miền đù!” rồi cười khoái chí! Các bạn có hiểu là thế nào không? Thật
ra chuyện đơn giản và bình thường thôi: tôi có nước da ngăm đen, tôi gầy và
cao, tôi coi bạn trai bạn gái như nhau, không biết yểu điệu khép nép… Và tôi
sống ở một khu tập thể có nhiều người miền nam tập kết. Khi vui khi giận thì
chửi thề “đù má” chứ không “đ. mẹ”. Ngoài ra, nhà tôi còn hay bị chê vì làm
chao ăn chao và nhiều món ăn Nam bộ “không ai ăn kinh thế”. Nói chung cứ không
giống người khác là bị chê “kinh” dù không liên quan đến ai và cũng chẳng có gì
để gọi là tốt hay xấu.
Ngoài chuyện tào lao ấy thì cuộc sống gia đình
tôi cũng như mọi gia đình khác, tôi vẫn được nhiều bạn bè quý mến, dù thỉnh
thoảng có câu đùa ác làm tôi chạnh lòng. Đến nay tôi về Sài Gòn đã mấy chục năm
nhưng gặp lại các bạn vẫn nhận ra tôi là cô gái ngày xưa cao gầy ngăm đen có
bím tóc dài quăn quăn và hay cười hồn nhiên…
Cả một thời thơ ấu nghèo khó ở Hà Nội và gian
nan những nơi sơ tán, miền Bắc còn lại trong tôi là sự đùm bọc sẻ chia. Hà Nội
là quê hương thứ hai của tôi, nơi đã lưu lại trong tôi nhiều điều tốt đẹp, nhất
là cái giọng Hà Nội ngày xưa, nhẹ nhõm, tự nhiên. Hơn 40 năm sống ở Sài
Gòn tôi không cần phải cố gắng “giữ giọng Hà Nội” vì nó là một phần của tôi, tự
nhiên là như thế!
Như tôi đã kể trong vài tùy bút, những ngày đầu
về Sài Gòn và về quê nội ngoại, bà con đều ngạc nhiên khi nghe tôi thưa gửi:
“nó nói tiếng gì không phải tiếng Việt mình?”. Tôi vừa tủi thân vừa buồn cười.
“Tiếng Việt mình” theo người miền Tây là tiếng miền Tây, tiếng Sài Gòn, hay
cùng lắm là tiếng Trung tiếng Huế. Còn tiếng “nước Bắc” nghe thiệt lạ lẫm xa
xôi… Tất nhiên, sống đâu âu đấy, tới nay vốn từ ngữ của tôi được bổ sung nhiều
từ Nam bộ, sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày thuận tiện và cũng cho tôi hiểu
biết nhiều hơn qua ngôn ngữ, phương ngữ, nhất là khi về làm việc ở miền Tây.
Ngôn ngữ, cũng như ẩm thực, chấp nhận và tiếp nhận càng nhiều cái mới lạ thì
mình càng có lợi.
Hồi đó ở Sài Gòn và nhiều tỉnh thành miền Nam
còn phổ biến tư tưởng “công thần” Nhứt trụ nhì tù tam khu tứ kết (Trụ lại hoạt
động trong thành, ở tù, vô rừng, tập kết). Ba má tôi là dân tập kết về
rất “thấm” cách đối xử của tình trạng ấy. Ngoài ra ông bà thường nghe nhiều
người bạn phiền trách “anh chị biểu con nhỏ nói tiếng Nam đi, sao nói tiếng Bắc
kỳ hoài vậy!”, ba tôi nghiêm giọng trả lời “nó nói tiếng Bắc thì sao, miễn nó
là người tốt. Nhiều người nói tiếng Nam mà cũng cà chớn thấy mồ!”. Xong, tôi
chẳng bao giờ phải nghĩ đến việc đổi giọng thậm chí khi làm việc tại một cơ quan
của thành phố mà ai cũng tưởng tôi là người Hà Nội. Có cô bạn khuyên tôi chịu
khó nói tiếng Nam sẽ dễ dàng hơn trong công việc, tức là dễ được sếp để ý rồi
lên chức nọ kia… Tôi chỉ cười, biết bạn chân tình vì bạn cũng dân tập kết về
như tôi, nhưng khi đi họp hành, gặp các sếp bạn nói tiếng Nam lơ lớ… Tôi thì
không, vì không chịu nổi cảm giác giả dối khi cố khác mình!
*
Từ năm 1975, nhiều chục năm trôi qua, miền Nam
bây giờ có rất nhiều người Bắc vô sinh sống, người Nam tập kết ra Bắc hầu hết
cũng trở về quê hương. Ở miền Nam nhiều người cũng đã ra đi, đi xa hơn ra nước
ngoài chứ không chỉ vào Nam như những người Bắc di cư hồi 1954. Sài Gòn là nơi
chịu sự đột biến lớn nhất miền Nam về dân cư sau năm 1975, sự đột biến này kéo
theo “cú sốc” không hề nhẹ về văn hóa, dù Sài Gòn là nơi cởi mở dễ tiếp nhận
mọi thứ. Tâm lý xã hội “bên thắng bên thua” vô thức hay hữu thức đều tồn tại
thực sự trong mỗi người. Nếu hiểu biết và thiện ý thì mọi khác biệt sẽ được tôn
trọng, để dần đi đến những điểm chung. Nếu thiếu hiểu biết và tự cho “bên thắng
cuộc” có quyền áp đặt tất cả thì những khác biệt về văn hóa sẽ bị đồng hóa, đồng
nhất thậm chí bị triệt tiêu. Ở từng cơ quan, công ty hay ở cấp độ lớn hơn ít
nhiều đều có hiện tượng này, và công khai hay ngấm ngầm cũng có sự phân biệt
người Bắc người Nam mà đôi khi chỉ vì cá tính văn hóa vùng miền khác nhau.
Tôi, “nguyên liệu Nam kỳ gia công tại Bắc kỳ”
nhìn ra những chuyện đó khá nhanh khá rõ. Kể cả việc chính mình bị “bạn bè” kỳ
thị chỉ vì không cùng cách nhìn nhận một số vấn đề xã hội. Khi nêu chính kiến
về cái tốt của Nam kỳ thì bị nói “nó là người Nam mà, thảo nào cục bộ địa phương…”,
còn khi bênh vực cái tốt của Bắc kỳ thì “thấy giọng nó hông, Bắc kỳ rặc ri, con
cộng sản nòi mà”. Nghe mắc mệt!
Sài Gòn là nơi có lượng người nhập cư lớn nhất
nước, văn hóa là sự pha trộn và đa dạng từ nhiều vùng miền, lối sống, ngôn ngữ,
ẩm thực ở đây như một “liên hiệp quốc” thu nhỏ. Tình cảm quê hương là tự nhiên
nhưng sống ở Sài Gòn là chấp nhận khác biệt và thích nghi. Cũng như ba má mình,
tôi không ưa những người tập kết mới trở về Nam nhìn cuộc sống vật chất đầy đủ
hơn liền quay ra chê bai miền Bắc, người Bắc là nghèo nàn là nhà quê… Nhưng tôi
cũng rất ghét những ai đến Sài Gòn, nhờ Sài Gòn mà có cuộc sống thoải mái, làm ăn
dễ dàng, thậm chí giàu có, vậy mà mở miệng là chỉ có chê, chê từ thời tiết khí
hậu đến tất cả những gì “không giống làng mình”… Hai loại người chê bai sổ toẹt
tất cả như thế nếu một lần có thể là vô tình, hai lần là vô tâm, ba lần là vô
duyên nhưng bốn lần thì là vô ơn. Tôi thật!
Gần đây sự kỳ thị Nam Bắc luôn bùng phát từ vài
hiện tượng văn hóa mà nguyên cớ là từ thói quen coi văn hóa miền Bắc, văn hóa
Hà Nội là trung tâm, là “chuẩn” để so sánh, rồi nhìn sự khác biệt thành sự hơn
kém tốt xấu… Từ đó có thái độ coi thường văn hóa khác vùng miền khác. Họ không
hiểu biết hay quên rằng, lãnh thổ đất nước ta như bây giờ là đã hình thành trải
dài trong không gian từ Bắc vào Nam qua thời gian hàng trăm năm, sao có thể lấy
văn hóa một nơi chốn một thời điểm làm “chuẩn” cho tất cả, chưa kể mỗi vùng
miền có hoàn cảnh xã hội và lịch sử khác nhau? Chưa kể là sự phân biệt vùng miền
càng nặng thêm vì cùng với đó còn là dấu vết chiến tranh “bên thắng bên thua”?
Từ bỏ tâm thức “trung tâm” (của người Việt/Kinh,
miền Bắc, Hà Nội, trung ương…) để nhận biết, chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng
văn hóa (của 54 tộc người, của các vùng miền, địa phương, của những cộng đồng
có số phận lịch sử khác nhau…). Ngược lại, bình thản đón nhận những góp ý cũng
như những chê bai, vì không phải “Sài Gòn xưa” cái gì cũng là “tuyệt đỉnh”,
hoài cổ là chắt lọc những giá trị tốt đẹp nhưng “nệ cổ” thì sẽ phục dựng lại cả
những giá trị ảo…. Cả hai thái độ đó hiện nay, bây giờ đều rất cần thiết, đó là
một cách lấp dần vực sâu ngăn cách hai miền mà hơn 40 năm hòa bình vẫn còn đó.
Hơn ai hết, văn nhân trí thức là những người đầu
tiên cần ý thức và thực hiện điều đó. Bởi vì kỳ thị về chính trị chính là căn
cốt của sự kỳ thị văn hóa vùng miền, kỳ thị Bắc Nam.
Nguyễn Thị Hậu
Sài Gòn 25.10.2017
P/S. Sự kỳ thị vùng miền còn có những nguyên
nhân sâu xa từ lịch sử, nhưng xin hẹn ở một bài viết khác.
|
__._,_.___
No comments:
Post a Comment