Loa phường – xã (*)
Nguyễn
Phương
Tác giả chứng minh một cách không thể nào thuyết phục hơn, rằng
loa phường – xã đã hết thời, rằng nó đang hành hạ người dân, rằng nó phạm luật
nhưng lại được “miễn trừ”, rằng dầu nó hại dân, người có trách nhiệm vẫn duy
trì nó là vì có lợi cho họ. Tóm lại, người dân bất lực, chỉ còn cách chạy xa ra
nơi khác, mới hòng thoát được.
Thế thì nó đâu còn chỉ cái “loa phường – xã”? Còn nó là cái gì,
thì Bauxite Việt Nam
không dám nói, sợ bị ghép vào điều 258, thì bỏ bu!
Bauxite Việt Nam
Xin các nhà loa phường – xã hãy hình dung rằng trong những ngôi
nhà kia là cha mẹ già của mình cần chút yên tĩnh nghỉ ngơi, là sản phụ vừa sinh
con, là những đứa con của mình đang học bài, là người thân của mình đang ốm
mệt, … thì các vị sẽ biết nên làm như thế nào.
Loa công cộng đã hết phận sự
Tay run run, ông cụ tháo bỏ cái chụp tai xin của đứa cháu lái máy
xúc thường dùng để bịt tai khi điều khiển máy xúc. “Đau đầu lắm ông ạ, ngày nào nó cũng khoan vào
óc thế này đấy, khổ lắm mà chẳng biết kêu ai. Những hôm khỏe còn cố chịu, những
ngày mệt thì thật chẳng khác gì bị tra tấn. Giá như nhà mình là cái thuyền thì
tôi đã chèo đi chỗ khác rồi. Tôi cứ tưởng nước mình hết chiến tranh rồi thì
thôi loa công cộng”.
Cụ than vãn về cái loa phường tại một con phố của Hà Nội.
Lúc ấy hai cái loa phường vừa hết chương trình hàng ngày. Không
gian bỗng trở lại yên tĩnh. “Không chỉ riêng phường của cụ, mà các phường – xã
khắp cả nước đều như vậy. Cụ chỉ có “chèo” ra thả neo ở biển may mới thoát”.
Tôi hài hước đùa cụ.
Đã có hàng chục bài viết, hàng trăm ý kiến, thậm chí có cả truyện ngắn
và thơ kêu than về sự phiền nhiễu do hệ thống loa phường – xã gây ra. Nhưng
dường như tất cả chỉ như những viên đá ném xuống ao bèo?
Khi được hỏi về sự phiền toái do loa phường – xã gây ra, cơ quan
này đùn cho cơ quan kia và cuối cùng không biết ai là chủ của nó.
Thời chiến, hệ thống loa công cộng có tác dụng cánh báo người dân
khi có máy bay địch. Nay gia đình nào cũng đầy ắp các phương tiện thông tin, từ
radio, TV, đến Internet. Ngoài đường đầy rẫy các sạp báo. Nhà ga, bến tàu,
trường học …, đều có hệ thống thông báo riêng. Như vậy, loa phường – xã nay đã
hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó.
Vậy tại sao hệ thống loa công cộng vẫn tồn tại? Có người bảo đây
là nguồn tạo công ăn việc làm cho người thân của một số cán bộ xã phường cho
nên họ không muốn bỏ?
Loa phường- xã nay đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó. Ảnh
minh họa
Mớ âm thanh hỗn độn
Bất cứ lúc nào dạo qua phố phường ở Hà Nội người ta đều có thể
chứng kiến “tận tai” mớ âm thanh huyên náo hỗn độn phát ra từ mọi nguồn.
Trên đường phố là tiếng còi xe làm thót tim người đi đường, âm
thanh như xé tai của ống xả xe máy không giảm thanh; là tiếng rao vặt được ghi âm
sẵn rao bán báo, cà phê dạo, mua đồng nát …
Dọc vỉa hè là hệ thống loa của các hàng quán chõ ra đường, gọi
khách bằng thứ nhạc điện tử đơn điệu phát suốt ngày. Ai có dịp đến thăm các quốc
gia châu Á, kể cả ở Trung Quốc nơi có hệ thống loa công cộng gần với Việt Nam,
cũng không thấy cái mớ âm thanh hỗn độn như chợ vỡ này. Thành phố tỉnh lẻ của
họ cũng không thế, huống hồ ở thủ đô.
Trong khi chương trình VTV, VOV… đang phát, thì loa phường – xã
mang những bài báo cũ nào đó ra đọc, hoặc hò reo ca hát í ới theo lối tự biên tự
diễn nghe đến chối tai.
Các chuyên gia môi trường đã lên tiếng cảnh báo rằng tiếng ồn đô
thị được ví như “kẻ sát nhân” giấu mặt. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nạn ô nhiễm tiếng ồn ngày càng
ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của con người, nhất là tại các nước
đang phát triển. Tiếng ồn phát ra từ xe cộ, loa công cộng, làm tổn hại sức
khỏe, thường gặp nhất là chứng ù tai, mất tập trung, stress, tim mạch …
Tiếng ồn đã bị coi là yếu tố gây ô nhiễm ở nhiều nước. Đã đến lúc Luật
bảo vệ môi trường của Việt Nam cần có điều khoản về ô nhiễm tiếng ồn. Nếu
đã có thì các hành vi trên dù của cá nhân hay tập thể đã vi phạm đều cần phải
bị xử lý theo luật. Song, một khi có luật này, hình như người ta chỉ có thể
kiện cá nhân vi phạm, còn tập thể là phường – xã dường như được “miễn trừ”?
“Đề
nghị các đồng chí nói nhỏ trong khi ăn”
Không ít người Việt từ xưa đã coi “ăn to nói lớn” là một giá trị
thể hiện một loại uy quyền. Ở những nơi công cộng, họ cười đùa, chuyện trò khá
ồn ào. Trên xe công cộng, người quen “tâm sự” đủ cho cả xe nghe, trong khi đó
thì nhà xe mở đài, mở băng video hết âm lượng. Trong quán ăn bình dân là những
tiếng “dô” đinh tai nhức óc. Tật xấu này có lẽ khá phổ biến với mọi tầng lớp.
Mấy tấm biển trên tường phòng ăn tại một nơi nghỉ dưỡng dành riêng cho cán bộ
cao cấp lão thành viết: “Đề nghị các đồng chí nói nhỏ trong khi ăn” là một ví
dụ.
Không cần phải so sánh với các thành phố văn minh xa xôi, chỉ cần bước
chân sang Lào, một nước mà không ít người Việt cho là “kém” Việt Nam, thì thấy
thủ đô Vientiane của họ văn minh lắm. Không inh ỏi tiếng còi xe, không oang
oang rao vặt, không ầm ĩ loa công cộng, và vỉa hè không tràn lan hàng quán.
Một trong những luật vàng của loài người là đừng mang đến cho
người khác điều mà mình không muốn nhận. Hãy đặt mình vào vị trí người khác. Trước
khi chĩa loa vào nhà ai, xin các nhà loa phường – xã hãy hình dung rằng trong
những ngôi nhà kia là cha mẹ già của mình cần chút yên tĩnh nghỉ ngơi, là sản
phụ vừa sinh con, là những đứa con của mình đang học bài, là người thân của
mình đang ốm mệt, … thì các vị sẽ biết nên làm như thế nào.
N. P.
(*) Nhan đề của BVN.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment