Ngày
đầu năm 2016, ước mong gì cho tổ quốc?
Nguyễn
Trung
Hôm nay, ngày đầu tiên
của năm 2016, tôi chủ định trồng vài cây hoa trong vườn rồi nghỉ ngơi, ước mong
có được chút thảnh thơi ở tuổi già này. Trồng hoa xong đau gẫy cả lưng, nhưng
thảnh thơi không đến. Chỉ đắm đuối trong mối lo khôn nguôi về hiện trạng đất
nước. Có lẽ lâu lắm rồi, chưa có ngày đầu năm nào tôi không sao dứt ra được
khỏi chính mình như thế này.
Là đảng viên, tôi đã
tham gia vào nhiều vấn đề của Đảng từ thời Đại hội đổi mới 1986, ít nhiều có
kết quả… Thế nhưng từ khi tham gia góp ý vào các Đại hội từ Đại hội VIII liên
tục cho đến Đại hội XII sắp tới.., tôi cảm thấy mình càng cố nói thật bao
nhiêu, càng công cốc bấy nhiêu!
Thực là bao phen rất
muốn trói cái tay lại để khỏi phải viết, nhưng con tim và cái đầu không cho
phép – bởi lẽ còn mong muốn chia sẻ nỗi niềm của mình với nhân dân, với đất
nước, và đối với tôi đây là điều quan trọng bậc nhất.
Hôm nay, lời đầu tiên
tôi viết cho ngày đầu năm 2016 là nỗi lo sâu thẳm trong lòng: Đại hội XII có
thể sẽ đi vào lịch sử là Đại hội tồi tệ nhất kể từ sau 30-04-1975 cho đến nay…
Tất cả những gì đang
diễn ra đầy kịch tính từ Hội nghị Trung ương 4 (tháng 12-2012) cho đến giờ phút
này là sự tranh giành quyền lực ở cấp chóp bu đã đạt tới đỉnh điểm một mất một
còn với nhau, lấn át hoàn toàn trách nhiệm bắt buộc lẽ ra phải có của một đảng
cầm quyền nhân dịp họp Đại hội. Đất nước chỉ còn lại là miếng mồi ngon cho
lợi và quyền để giằng xé nhau giữa cá nhân này và cá nhân kia, giữa nhóm lợi
ích này và nhóm lợi ích kia… Thực tế này vô cùng béo bở cho tham vọng bá quyền
Trung Quốc. Cũng xin nói luôn, cho đến nay, chưa bao giờ lãnh đạo Trung Quốc
xía vào nội bộ chóp bu của ĐCSVN nhân dịp Đại hội thâm hiểm và tệ hại như bây
giờ.
Để đất nước rơi vào
thực trạng hiện nay, như đã được thú nhận phần nào tại Hội nghị Trung ương 4
(tháng 12-2012), trách nhiệm trước hết thuộc về Tổng bí thư, Bộ Chính trị và
BCHTW khóa XI.
Trong thư ngỏ ngày
19-02-2013 gửi lãnh đạo Đảng và BCHTW khóa XI, cân nhắc thiệt hơn các mặt, tôi
đã đề nghị Bộ Chính trị khóa XI nên thay măt Đảng tự phê bình và tự nhận kỷ
luật trước cả nước về thực trạng của đất nước: toàn thể Bộ Chính trị sẽ xin từ
chức tập thể và cam kết sau khóa XI này sẽ không tham gia bất kỳ công tác lãnh
đạo nào của Đảng, để nhường chỗ cho thế hệ trẻ từ Đại hội XII trở đi.
Cũng trong thư này,
tôi đề nghị Bộ Chính trị khóa XI thực hiện trách nhiệm cuối cùng của mình là
chuẩn bị mọi điều kiện cho một cuộc cải cách toàn diên mà đất nước đang đòi
hỏi; coi nhiệm vụ chuẩn bị cải cách này vừa là sự chuộc lỗi, vừa là trách nhiệm
ràng buộc của Bộ Chính trị khóa XI đối với đất nước. Cũng trong thư này, và
trong nhiều bài viết khác, tôi đã nhấn mạnh không một đảng viên nào của Đảng
(kể cả tôi) là vô can đối với hiện trạng của đất nước, và do đó phải có trách
nhiệm đứng lên bảo vệ lợi ích quốc gia và tranh đấu cho sự trong sáng của Đảng.
Ngày 09-08-2015, nhân
dịp 20 năm bức thư lịch sử của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi đã nêu lại nội
dung cốt lõi của bức thư này, nhân dịp này trình bầy đánh giá của tôi về 40 năm
đầu tiên đất nước độc lập thống nhất. Trong thâm tâm, tôi chủ ý trình bầy sự
đánh giá của mình sẽ như là một đối chứng đối với dự thảo Báo cáo Chính trị
chuẩn bị cho Đại hội XII (được công bố đầu tháng 10-2015), để cả nước và toàn Đảng
so sánh. Trong bài viết này, cũng như trong một số bài sau đó, trong một số thư
riêng gửi Bộ Chính trị liên quan đến chủ đề chuẩn bị Đại hội XII..,
Tôi đã nhấn mạnh:
(1)
Đất nước đứng trước những
thách thức và cơ hội chưa từng có: Hoặc là nước ta sẽ buộc phải đầu hàng tiếp
trước sự bành trướng vươn lên đế chế của Trung Quốc (giấc mông Trung Hoa), hoặc
là nước ta phải nắm lấy cơ hội hiện nay còn lớn hơn cả khi làm Cách mạng Tháng
Tám để thoát khỏi thân phận chư hầu của Trung Quốc và dấn thân đi với cả thế
giới với tính cách là một nước phát triển.
(2)
Dự thảo Báo cáo chính trị
chuẩn bị cho Đại hội XII không nhìn nhận thách thức và cơ hội như trình bầy
trên (điểm 1). Tôi cho rằng dự thảo hoàn toàn bất cập trong việc tạo ra cho đất
nước khả năng đương đầu thắng lợi với thách thức, không động viên đất nước đứng
lên nắm lấy cơ hội phấn đấu trở thành một quốc gia có thể cùng tồn tại trong hòa
bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với Trung Quốc, được Trung Quốc tôn trọng
độc lập chủ quyền.
(3)
Cần bãi bỏ việc chuẩn bị và
tiến hành Đại hội Đảng theo đường mòn như lâu nay. Nhất thiết phải trở lại quy
định của Điều lệ Đảng giao cho Đại hội nhiệm vụ là cơ quan quyền lực cao nhất
của Đảng giữa hai nhiệm kỳ và thực hiện đầy đủ các quyền dân chủ trong Đại hội;
không được lạm dụng cái gọi là “nguyên tắc tập trung dân chủ” và các tiền lệ
(các luật không thành văn) để làm bất cứ việc gì trái với quyền lực của Đại
hội; không làm thủ tục như lâu nay là thông qua Dự thảo Báo cáo chính trị - vì
nó rất hình thức bất cập, thay vào đó là Đại hội tập trung thảo luận cho vỡ lẽ
thách thức và cơ hội trong bối cảnh quốc tế hiện nay, đòi hỏi phát triển của
đất nước, xác định những nhiệm vụ lớn phải giải quyết trong nhiệm kỳ này.
(4)
Trên cơ sở các nhiệm vụ cho
khóa XII tới đã được Đại hội xác định (chứ không phải dự thảo Báo cáo chính
trị), Đại hội thảo luận, tranh luận cân nhắc thiệt hơn mọi mặt, để Đại hội trực
tiếp lựa chọn, trực tiếp thực hiện tại Đại hội các nguyên tắc dân chủ trong
việc đề cử, ứng cử.., qua đó Đại hội trực tiếp tìm ra ai là những ứng viên xứng
đáng nhất và có lợi nhất cho chức vụ Tổng bí thư, đòi hỏi các ứng viên này dự
định có chương trình hành động ràng buộc gì trước Đại hội, sau đó Đại hội thảo
luận dân chủ cân nhắc các mặt để trực tiếp bầu ra Tổng bí thư với tư cách là
người thay mặt Bộ Chính trị và toàn Đảng chịu trách nhiệm ràng buộc trước Đại
hội và trước cả nước.
(5)
Đại hội sẽ có một Nghị quyết
về chương trình hành động của Đảng khóa XII; Đại hội XII sẽ ra một Tuyên ngôn của Đảng
trước nhân dân và thế giới, với 3 nội dung: (a) Đảng cam kết tiến hành cải cách chính trị
theo tinh thần dân tộc, dân chủ, hòa giải dân tộc, xây dựng hiến pháp mới và đổi tên nước; (b) Đảng
Cộng Sản Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh của mình, nay quyết định thay đổi thành
một đảng mới của dân tộc và dân chủ, đổi tên Đảng, xây dựng Cương lĩnh và Điều
lệ mới, (c) trong nhiệm kỳ XII thực hiện trưng cầu ý dân và xây dựng xong,
sau đó trình Quốc hội thông qua
một Luật quy định về đảng phái chính trị, nhằm
xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, và nâng cao năng lực của đảng cầm quyền
trong khung khổ nhà nước pháp quyền dân chủ.
Vân vân…
Rất tiếc, tất cả những điều tâm huyết nói trên đều rơi vào thinh không. Chỉ có
một sự tự an ủi duy nhất: Có thể vẫn còn có những cái tai nào đó trong nhân dân,
trong những đảng viên còn khắc khoải lòng yêu nước sẽ lắng nghe, để biết, để so
sánh, để đòi hỏi…
Song đập vào tai tôi, vào mắt tôi hàng ngày là những sự việc, những thông tin
nát lòng nát ruột: Chưa bao giờ tôi đau lòng về đảng mà tôi đã giơ tay tuyên
thệ khi gia nhập như bây giờ, bị dầy vò khốn khổ trong căm phẫn và xấu hổ, lại
càng thêm hổ thẹn bội phần cho danh dự và thể diện của quốc gia… - giữa lúc hầu
như cả thế giới tiến bộ đang kỳ vọng vào cơ hội manh nha một Việt Nam là đối
tác chiến lược của các đối tác, là thành viên có triển vọng của TTP, thành viên
nhiều hứa hẹn của cộng đồng ASEAN…
Thế nhưng hôm nay là ngày đầu tiên của năm 2016, tôi vẫn phải nói lên điều gì
chứ! Bởi vì, một là tôi không vô can, hai là tôi không thể bàng quan mặc cho con
tạo xoay vần… Có rất nhiều điều phải nói tiếp lúc này lắm!
Nghĩ được như thế, mà
tôi vẫn không thoát khỏi sự thật trần truồng như ai đó đã nói toạc ra “Nói
đến việc đặt đạo lý và tổ quốc lên trên hết trong bối cảnh hiện nay có thể là
một điều xa xỉ…” (Người yêu nước). Ngay
cả đến cái “chốt” cuối cùng của câu chuyện
đang diễn ra là giữa một bên là Nguyễn Phú Trọng hoặc Nguyễn Sinh Hùng, và một bên
là Nguyễn Tấn Dũng, Đại hội XII này nên bầu ai… thiên hạ cũng nói nát ra rồi,
có nhiều ý rất toạc móng heo, nhiều điểm rất trúng tim đen những nhân vật được
đem ra bàn...
Tôi cố nặn óc mình để
nói thêm đôi điều gì đó, trong thâm tâm vẫn luyến tiếc phương án tôi đã đề nghị
trong thư ngày 19-02-2013: Đất nước
đang đứng trước bước ngoặt lịch sử, toàn thể Bộ Chính trị hiện nay nên nghỉ
hết, nhường đường cho một đội ngũ lãnh đạo trẻ nắm lấy cơ hội của đất nước!..
Chưa kịp gõ xong mấy chữ này, trong đầu tôi đã hiểu ngay: Mình lại đang nói
chuyện đạo lý mất rồi!
- Phải nói gì
vào cái “chốt” cuối cùng cơ! Đừng đánh
trống lảng như vậy!..
Lý trí của bối cảnh cụ
thể này chỉ còn lại vẻn vẹn trong đầu tôi cái điều mà có lẽ ai cũng nói thế: Chọn
cái đỡ xấu nhất trong những cái xấu này vậy!
Vậy thế nào là cái đỡ
xấu nhất trong những cái xấu này?
Nếu đem được lên bàn
cân, quả thật cũng sẽ khó nói cái nào đỡ xấu hơn cái nào:
- Tham nhũng
tiền bạc và quyền lực hiển nhiên là xấu. Song ai dám nói tham nhũng cơ hội đổi
đời của đất nước là tham nhũng nhỏ hơn? Ai nói được giữa hai loại tham nhũng
này, loại nào “sạch” hơn loại nào? Loại nào ác hơn?
-
Chống tham nhũng là đúng. Nhưng chống tham nhũng mà vẫn kiên định giữ
nguyên hệ thống và chế độ hàng ngày hàng giờ đẻ ra tham nhũng là chống thật hay
chống nhau?
-
Lợi dụng quyền lực thu lợi riêng, so với nhân danh bảo vệ Đảng làm trái
Điều lệ để chiếm quyền lực, ai nói được mèo nào cắn mỉu nào?
-
Vi phạm đạo đức đảng viên là xấu. Song vin vào giữ gìn điều lệ tạo ra
không khí đấu tố làm phân tâm nội bộ Đảng tội nào nặng hơn?
-
…
-
…
Rõ
ràng so giữa cái xấu với nhau như thế sẽ có nhiều cái để so lắm và thật không
dễ tìm được chân lý. Nó chẳng khác gì phải đi tìm cái hoàn hảo trong mọi cái
không hoàn hảo. Trong khi đó đôi khi có một điều có thể đúng là: Nếu chống cái sai
với mưu đồ trị nhau thì làm sao coi được là đúng và đem lại kết quả tích cực?..
Vân vân…
Vậy Hội nghị TƯ 14 và
Đại hội XII nên chịu khó mất công hơn nữa để quyết định bầu “ai?” với tinh thần
lựa chọn cái gì trong những cái xấu này có lợi hơn cho đất nước hoặc có triển
vọng đem lại cái lợi lớn hơn cho đất nước. So đo như vậy may ra sẽ dễ hơn một
chút.
Ví dụ:
-
Giữa một cái là chống tham nhũng, và một cái là tạo thuận lợi cho thực
thi dân chủ và khuyến khích tự do, cả hai cái đều tốt, nên ưu tiên cái nào?
-
Chống tham nhũng bằng phá triệt để các vụ án, hay là bằng tạo ra một thể
chế minh bạch và có trách nhiệm giải trình để ngăn chặn ngay từ gốc nguy cơ
tham nhũng, cách nào hiệu quả hơn? Lúc này ưu tiên cái nào?
-
Giữa một bên là cái kiên định định hướng xã hội chủ nghĩa để bảo toàn
chế độ và đất nước, và một bên là phát huy tự do dân chủ để thực hiện dân giầu
nước mạnh, nên ưu tiên cái nào? Cái nào lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
đất nước hơn?..
-
Giữa một bên là kiên định định hướng xã hội chủ nghĩa và giữ đại cục,
với một bên là nhân dân có tự do thì đất nước sẽ có tất cả, chọn cái gì?
-
Nên làm tất cả để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ dưới sự lãnh đạo toàn diện
và tuyệt đối của Đảng.., hay là nên xây dựng một thể chế chính trị mạnh trên
nền tảng kinh tế thị trường - nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự làm môi
trường xây dựng cho Đảng lớn mạnh để phấn đấu trở thành đảng cầm quyền?
-
Bộ Chính trị là cơ quan cấp trên của Quốc Hội, hay là Quốc hội phải là
cơ quan quyền lực tối cao của cả nước? Chọn gì?
-
Dân chủ, tự do, các quyền công dân, quyền con người, vấn đề kinh tế thị
trường… là những vấn đề chấp nhận miễn cưỡng, thực hiện miễn cưỡng để hội nhập?
Hay là phải được biến thành những yếu tố cần lựa chọn làm nên sự phát triển của
đất nước và sức mạnh của quốc gia?
-
Giữ đại cục bằng lời lẽ lúc nói tránh né là “tầu lạ”, “nước lạ”.., lúc
như van xin - thậm chí bỏ qua cả lịch sử, lúc nói như để cho có tiếng nói đúng lập trường - để có cái thanh
minh với dân và dư luận thế giới, song trên thực tế là chịu chấp nhận thương
lượng tay đôi, đã và đang lùi dần từng bước… Hay là giữ đại cục bằng cách tạo
ra cho đất nước thế và lực để trở thành đối tác được Trung Quốc tôn trọng và
được sự hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ? Làm gì để đất nước có thế và lực như
vậy?
-
Chọn ai là thích hợp nhất cho cái mục đích định chọn…
-
Vân vân…
Song đưa ra những cái dễ hơn để chọn như thế lại rơi vào câu chuyện đạo
lý mất rồi! Khó thật!
Chỉ có con đường thảo luận dân chủ và công khai ngay trong Hội nghị Trung ương
14 và sau đó là trong các phiên họp toàn thể của Đại hội XII, mới có thể có sự
lựa chọn dễ hơn, đúng hơn.
Cũng không thể bắt
chước Trung Quốc, sau khi bầu chọn xong, bên thắng sẽ truy nã bên thua, dìm sâu
đất nước vào đấu tranh nội bộ triền miên. Tập Cận Bình muốn nắm tất cả quyền
lực của đất nước rộng lớn cho mục tiêu đế chế Trung Hoa nên cần làm thế. Còn
Việt Nam nếu học mót điều này sẽ là tắm máu với hệ quả có thể tiên liệu được.
Chính vì lẽ này – xin nhắc lại – trước khi quyết định bầu chọn ai cấp chop bu,
Hội nghi TƯ 14 và Đại hội XII phải quyết định được lựa chọn gì cho đất nước,
rồi mới tính đến việc chọn người. Người được chọn cũng phải có cam kết ràng
buộc với đất nước và với Đảng; Đại hội nhất thiết phải xây dựng được thể chế và
quy định lọai bỏ người được chọn nếu không hoàn thành nhiệm vụ…
Nếu Hội nghị TƯ 14 và
Đại hội XII để cho lợi ích của quyền lực cá nhân hay phe nhóm quyết định việc bầu
ai ở cấp chóp bu này, người được bầu sẽ là chiến thắng của phe này đối với phe
kia, của cá nhân này đối với cá nhân kia… Bầu như thế, sự đấu đá nhau đầy kịch
tính như đang diễn ra lâu nay sẽ hứa hẹn một đoạn kết rất đen tối ngay sau đó
trên sân khấu quốc gia.
Người thua cuộc chắc
chắn trong mọi trường hợp “bầu” như vậy sẽ là đất nước, còn ĐCSVN sẽ đi sâu
thêm một bước trên con đường là đảng độc tài cai trị, họa chư hầu cũng sẽ lớn
nhanh theo...
Lâu nay và ngay bây
giờ đã và đang ồn ào tiếng nói và hành động đầy sát khí chống lại các thế lực
thù địch – bao gồm trước hết là sự phản đối ngay trong lòng đất nước của những
người dân đang chịu đựng bất công và những người bất đồng chính kiến. Song
người có tiếng nói phán xét cuối cùng rồi cũng sẽ là đất nước.
Ngày 01-01-2016 mà
phải viết lên những điều đầy lo âu như thế này, thật là vạn bất đắc dĩ! Trong
lòng cầu mong: Hay là mình đang được chứng kiến sự bắt đầu của một cơn đau đẻ
có thể là khá dài của đất nước và trong ngắn hạn chưa sao biết được cái gì sẽ
ra đời?..
Nguyễn Trung
Tác
giả gửi cho viet-studies ngày
1-1-16
__._,_.___
No comments:
Post a Comment