Cựu cán bộ
công an muốn truy trách nhiệm hình sự Đại tá Quý và Viện phó Tòng
Nguyễn Đăng Quang
Bài viết của tác giả Nguyễn Đăng Quang (cán bộ
lão thành của Bộ Công an), hiện đang sinh sống tại Hà Nội bàn luận về 2 vụ việc
“Quán cà phê Xin Chào” và vụ án “cái
chòi trông vịt” xảy ra tại TP.Hồ Chí Minh.
Trong
bài viết này, tác giả cho rằng: Đã đến lúc cần truy cứu trách nhiệm hình sự Đại
tá Nguyễn Văn Quý và Viện phó Viện kiểm sát huyện Bình Chánh, ông Lê Thanh
Tòng – hai cán bộ trực tiếp ký vào các quyết định khởi tố bị can và cáo trạng
truy tố bị cáo đối với người vô tội.
- Báo GDVN
Vào nửa cuối tháng 4/2016, báo chí dồn dập đưa tin và bình luận về
các vụ án do Đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện và Lê Thanh
Tòng, Viện phó Viện Kiểm sát huyện Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh) đã
truy bức hình sự các công dân hiền lành, làm ăn lương thiện về những
tội danh do 2 ông này tưởng tượng ra để hình sự hóa vụ việc, nhằm
đẩy công dân vô tội vào vòng lao lý.
Xin tóm lược 2 trong số các vụ án này như sau:
Thứ nhất, vụ “Quán cà
phê Xin Chào”
Ngày 8/8/2015, ông Nguyễn Văn Tấn mở quán cà phê “Xin Chào” trên
phần đất thuê tại thị trấn Tân Túc, đối diện trụ sở Công an huyện
Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh.
5 ngày sau, Công an huyện Bình Chánh đến kiểm tra và lập
biên bản đối với ông Tấn về lỗi kinh doanh không phép, không khám sức
khoẻ cho nhân viên…
Đến ngày 10/9/2015, Công an huyện Bình Chánh lại tiếp tục
đến kiểm tra cho dù lúc này quán “Xin Chào” đã có giấy phép kinh
doanh, nhưng Công an vẫn cho rằng ông Tấn vi phạm vì chưa có giấy xác nhận đủ điều
kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh “sai” địa điểm…
Ngày 25/9/2015, Đại tá Nguyễn Văn Quý, trưởng Công an huyện
Bình Chánh quyết định khởi tố hình sự ông Tấn về tội “Kinh doanh
trái phép”, đồng thời kiến nghị UBND huyện Bình Chánh “rút giấy
phép kinh doanh quán cà phê Xin Chào”.
Ngày 11/3/2016, Viện phó Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình
Chánh, Lê Thanh Tòng ký cáo trạng truy tố ông Tấn về “Tội
kinh doanh trái pháp luật”.
Toà án Nhân dân huyện Bình Chánh lên lịch đưa vụ án ra
xét xử vào ngày 28/4/2016.
Đây là vụ án điển hình của việc hình sự hóa các quan hệ
kinh tế và dân sự! Nếu các công dân lương thiện bị truy tố vì những
lỗi kia thì xã hội sẽ ra sao? Người dân có yên ổn làm ăn, mưu sinh
kiếm sống không?
Đại tá Nguyễn Văn Quý (ảnh nhỏ) người ký quyết định khởi tố hình
sự ông Nguyễn Văn Tấn – chủ quán Xin Chào tội “Kinh doanh trái phép” bị đình
chỉ công tác (Ảnh: sggp.org.vn)
Pháp luật có hiện hữu trên đất nước này không?
Nếu có, thì nó phục vụ cho ai?
Việc Đại tá Nguyễn Văn Quý khởi tố hình sự ông Nguyễn
Văn Tấn không chỉ là hành vi “vừa lạm quyền vừa lộng quyền”
mà còn là hành vi chà đạp lên pháp luật.
Từ ngày 21/4/2016, báo chí đồng loạt đưa tin và lên tiếng
phản ứng. Lãnh đạo cấp cao như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư
Thành uỷ Đinh La Thăng phải trực tiếp có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu xem
xét việc xử lý hình sự ông Tấn.
Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
sau khi xem xét hồ sơ, đã kết luận hành vi của ông Tấn không cấu
thành tội kinh doanh trái phép theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình
sự, và yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh ra ngay quyết
định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Tấn.
Đồng thời tiến hành công khai xin lỗi và bồi thường thiệt
hại (nếu có) cho ông Tấn.
Chiều 25/4/2016, Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết
định “tạm đình chỉ” chức vụ Trưởng Công an huyện Bình Chánh đối với
Đại tá Nguyễn Văn Quý để
kiểm điểm, làm rõ động cơ và trách nhiệm, trên cơ sở đó sẽ đề xuất
hình thức xử lý để Bộ Công an quyết định hình thức kỷ luật!
Thứ hai, vụ án “cái chòi
trông vịt”
Ông Nguyễn Văn Bỉ là chủ thửa đất rộng trên 3.600m2 nằm ở
vị trí rất đẹp tại thị trấn Tân Túc trước trụ sở Công an huyện
Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh.
Sau vụ quán cà phê “Xin Chào” kinh doanh “sai địa điểm”, bị
Đại tá trưởng Công an huyện khởi tố hình sự, ông Bỉ là người đang
kêu cứu vì chính ông cũng bị Đại tá Quý khởi tố oan.
Ông Bỉ cho hay, sau khi ký hợp đồng cho ông Tấn thuê mặt
bằng mở quán cà phê “Xin Chào”, diện tích còn lại chủ yếu ông dùng
để trồng cây cảnh, một phần nhỏ dùng chăn nuôi gia cầm.
Đầu tháng 7/2015, ông dựng một căn chòi bằng vật liệu cột
cây, mái tranh và vách lá rộng 98m2 để phục vụ việc trồng cây
cảnh và nuôi vịt và ngỗng.
Cuối tháng 7/2015, UBND huyện Bình Chánh ra quyết định xử
phạt ông 6,25 triệu đồng và buộc ông phá dỡ công trình.
Ông đã tuân thủ nộp phạt và tự nguyện tháo dỡ công
trình.
Cuối tháng 10/2015, ông Bỉ dựng căn chòi khác nhỏ hơn, chỉ
rộng 35m2, bằng vật liệu lá, cột cây như cũ, với mục đích phục vụ
việc chăm sóc cây cảnh và chăn nuôi gia cầm.
Ngày 17/11/2015, UBND thị trấn Tân Túc đến lập biên bản
với nội dung “xây dựng nhà ở không phép”,
thấy tình hình bất lợi, ông Bỉ đã chủ động tháo dỡ căn chòi này
sau khi đoàn kiểm tra ra về.
Tuy vậy, 10 ngày sau, UBND huyện vẫn tống đạt quyết định
xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Bỉ mặc dù ông đã tự nguyện
phá dỡ cái mà chính quyền gọi là “nhà ở” này.
Song một điều lạ thường rằng, vụ việc đang trong quá trình
xử lý hành chính thì ngày 14/12/2015, Công an huyện Bình Chánh “nhảy”
vào can thiệp, đề nghị UBND huyện thu hồi quyết định xử phạt hành
chính, chuyển hồ sơ sang Công an huyện để xử lý hình sự.
Ngày 19/1/2016, Công an huyện Bình Chánh ra quyết định khởi
tố ông Bỉ về tội vi phạm các quy định về nhà ở theo Điều 270 Bộ luật
Hình sự.
Đồng thời, Công an huyện còn ra lệnh cấm ông đi khỏi nơi cư
trú, người ký các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm
ông Bỉ đi khỏi nơi cư trú chính là Đại tá Nguyễn Văn Quý, trưởng Công
an huyện Bình Chánh.
Trong bản Kết luận Điều tra ngày 17/3/2016 của Công an Bình
Chánh nêu:
“Tháng 7/2015, do cần có chỗ để
làm nơi chứa vật tư trồng cây và nuôi gia cầm nên bị can đã tự ý xây
dựng một căn nhà không xin giấy phép xây dựng…
Đến 17/11/2015, bị can lại tiếp tục xây dựng một căn nhà
không phép nữa…”.
Tại phần cuối của bản Kết luận Điều tra, Công an huyện
Bình Chánh kết tội bị can Bỉ như sau: “Đây
là vụ án vi phạm các quy định về quản lý nhà ở do bị can Nguyễn
Văn Bỉ thực hiện.
Hành vi của bị can Bỉ là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm
tình hình trật tự quản lý đô thị, phá vỡ quy hoạch tổng thể chung
tại địa phương…do đó cần phải đưa ra xét xử trước pháp luật để răn
đe giáo dục chung!”
Rõ ràng, một sỹ quan cấp hàm Đại tá giữ chức trưởng Công an của
một địa bàn quan trọng ở thành phố đông dân và lớn nhất cả nước lại “vừa lạm
quyền vừa lộng hành”.
Bởi ông không hiểu rằng, theo Điều 270 Bộ luật Hình sự năm 1999,
chỉ người nào có hành vi “chiếm dụng nhà ở trái phép” hoặc “xây
dựng nhà ở trái phép”(hoặc cả hai hành vi trên) thì mới có thể bị
khép vào tội “vi phạm các quy định về quản lý nhà ở”.
Mà hành vi “vi phạm các quy định về nhà ở”, nếu có,
cũng đâu phải là “hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, phá vỡ quy hoạch
chung tại địa phương” như bản Kết luận Điều tra nêu?
Hành vi này đâu có nghiêm trọng đến mức phải ra lệnh cấm
bị can “đi khỏi nơi cư trú”.
Ngay trong bản Kết luận Điều tra này, Công an huyện Bình
Chánh cũng chỉ nói: “Do cần có chỗ để làm nơi chứa
vật tư trồng cây và nuôi gia cầm nên bị can đã xây dựng một căn nhà
không xin giấy phép xây dựng…” .
Thực ra đó chỉ là “cái chòi trông vịt” như người dân địa
phương vẫn quen gọi, vật liệu chỉ đơn giản là cột cây, tranh, lá.
Hơn nữa, ông Bỉ không ăn ở tại đây, vì căn chòi này chỉ
để chứa vật dụng trồng cây và chăn nuôi.
Do đó, theo quy định, ông Bỉ không phải xin giấy phép xây
dựng nên hoàn toàn không thể khép ông Bỉ vào tội “vi phạm các quy
định về quản lý nhà ở”.
Trong khi đó, ông Bỉ đã chủ động phá dỡ cái chòi này 2
tháng trước khi Đại tá Quý khởi tố hình sự “bị can Bỉ`”.
Hai sự việc “loạn thị” của nhiều quan chức phán đen thành trắng,
phán trắng thành đen này khiến tôi nhớ đến vụ án Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng,
Hải Phòng.
Chỉ từ “cái chòi trông vịt” mà một số
cán bộ có thẩm quyền “nâng cấp” thành nhà ở để khởi tố dân lành còn từ ngôi nhà
ở 2 tầng biến thành “cái chòi trông cá” để phủi sạch trách nhiệm, phá trụi nhà
dân.
Mà rõ ràng trong vụ việc “cái chòi trông vịt”, Đại tá Quý biết gia
đình ông Bỉ là gia đình chính sách, có anh ruột là liệt sỹ, ông Bỉ là người trụ
cột trong gia đình, chăm sóc mẹ già 80 tuổi đang sống trong căn nhà tình nghĩa
mà chính quyền địa phương xây tặng.
Thậm chí, ông Bỉ đã từng tự nguyện hiến 2.000m2 đất để làm nghĩa
trang cho người nghèo và hiện đã có 200 ngôi mộ được chôn cất miễn phí tại đây.
Và, ông Bỉ đã ủng hộ 50 quan tài để mai táng cho người cô đơn khi
qua đời.
Đại tá Quý hẳn biết các hành vi này của ông Bỉ nhưng Đại tá lại
hành xử như vậy?
Ngoài ra, theo ông Bỉ tiết lộ với báo chí, sau khi bị kiểm tra và
phạt vi phạm hành chính, ông Bỉ liên tục bị “cò đất” gọi điện thoại dọa quen
“sếp lớn” để ép ông bán thửa đất gần trụ sở công an huyện Bình Chánh nhưng ông
kiên quyết không bán.
Vậy là chẳng bao lâu, ông Bỉ bị khởi tố hình sự về tội “xây nhà
trái phép” và bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Cho đến khi báo chí lên tiếng, ngày 25/4/2016, lãnh đạo Công an
TP.Hồ Chí Minh thẩm định lại hồ sơ, chứng cứ và xác định ông Bỉ không vi phạm
pháp luật đồng thời, yêu cầu công an Bình Chánh đình chỉ vụ án.
Sau đó, ngày 29/4/2016, Viện kiểm sát nhân dân TP.Hồ Chí Minh cũng
kết luận hành vi của ông Bỉ không cấu thành tội phạm và quyết định tạm đình chỉ
công tác đối với Viện phó viện kiểm sát nhân dân huyện Lê Thanh Tòng- người ký
cáo trạng truy tố ông Bỉ.
Qua 2 vụ án này, Đại tá Nguyễn Văn Qúy và Viện phó Viện Kiểm
sát huyện Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh) Lê Thanh Tòng đã bị tạm đình chỉ chức
vụ, chờ hình thức kỷ luật chính thức.
Theo tôi, việc đình chỉ công tác để xem xét kỷ luật 2 quan chức
này là đúng và cần thiết nhưng chưa đủ.
Bởi nếu chỉ xử lý kỷ luật đơn giản với họ thì sẽ khiến các bộ khác
đã thoái hóa, biến chất noi gương, sẵn sàng “đánh quả” để nếu bại lộ thì nhận
một hình thức kỷ luật nào đó nhưng đổi lại gia đình, bản thân sẽ hưởng cuộc
sống khá giả cả đời.
Vì mọi hậu quả và thiệt hại đã có người dân, Nhà nước gánh chịu
hộ.
Vài năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước tiến hành công cuộc “cải
cách Tư pháp” nhưng qua 2 vụ việc này, tôi đề nghị cơ quan tố tụng có thẩm
quyền là Cục điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Cục 1) cần điều tra và
truy tố với Đại tá Nguyễn Văn Qúy và Viện phó Lê Thanh Tòng để giữ nghiêm kỷ
cương phép nước.
Đồng thời, làm bài học giáo dục, răn đe đối với cán bộ, đảng viên
khác đặc biệt là các cán bộ nắm quyền tố tụng trong bộ máy tư pháp hiện nay.
Có như vậy, mới xóa được thực tế nhức nhối lâu nay rằng, truy tố
dân thường thì dễ, còn truy tố cán bộ thì khó.
Qua 2 vụ việc trên, có đủ cơ sở để thấy Đại tá Quý và Viện phó
Tòng đã “hình sự hóa quan hệ hành chính” và “truy tố công dân vô tội”.
Do vậy, hai ông này đã phạm vào tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người
không có tội”.
Hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp này đã được quy định rõ tại
Khoản 1, Điều 293 Bộ luật Hình sự hiện hành (hết hiệu lực sau ngày
30/6/2016) và tại Khoản 1 Điều 368 Bộ luật hình sự 2015 (có hiệu lực từ
ngày 01/07/2016): “Người nào có thẩm quyền mà
truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không có
tội, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.
Nói đến đây, có thể có người cho rằng, chưa tới mức truy cứu trách
nhiệm hình sự đối với Đại tá Quý và Viện phó Tòng vì họ chưa thực hiện hành vi
phạm tội.
Nhưng rõ ràng, hành vi của 2 cán bộ này đã rất rõ thể hiện qua
việc là người có trách nhiệm, có thẩm quyền mà lại ký vào các quyết định khởi
tố bị can và cáo trạng truy tố bị cáo đối với người vô tội.
Do vậy, hành vi phạm tội của Đại tá Quý và Viện phó Tòng đã được
tiến hành và hoàn thành.
Tôi rất đồng tình và tâm đắc với ý kiến của tác giả Xuân
Dương trong bài viết “Móng tay quyền lực to hay bé?”
trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 26/4/2016 bàn về sự lạm quyền và
lộng quyền trong 2 vụ án “Quán cà phê Xin Chào” và “Cái chòi trông
vịt” nói trên.
Tôi mạn phép mượn câu gan ruột của tác giả Xuân Dương để
thay cho lời kết bài viết này: “Lạm
dụng quyền mà pháp luật trao cho để làm lợi cho cá nhân, phe nhóm,
xâm phạm quyền hiến định của công dân là hành động biến Nhà nước
thành công cụ trấn áp.
Đó là hành động chống lại Nhà nước chứ không phải bảo
vệ Nhà nước. Hành động đó cần bị nghiêm tri!”.
N.Đ.Q.
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng
tác giả.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment