Việt Nam hôm nay

https://lh4.googleusercontent.com/jwHXKk9yK83mb2U0iyp-OSXs7OZgoEcJKB4V-xqOO7STOu0djuO_hHd_dM8GkXjIamwCDoDrZRAdRPT5gaYIUOXwHgEk7mRpK7R7aGCo-eeVOtK72Nk

Thursday, 9 June 2016

Có thể bãi bỏ thiết chế viện kiểm sát?

 

Có thể bãi bỏ thiết chế viện kiểm sát?

Luật sư Ngô Ngọc Trai Gửi cho BBC từ Hà Nội
  • 20 tháng 5 2016

Tác giả nói "không thấy sự khác nhau giữa có hay không có vai trò của kiểm sát viên"
Ý kiến nói thiết chế viện kiểm sát đã không làm được vai trò của mình là kiểm sát điều tra, không ngăn giảm được bạo quyền lạm quyền, không bảo vệ được dân quyền.
Cuối cùng thì chủ quán café Xin chào ở huyện Bình Chánh đã được minh oan xin lỗi trong một vụ án về kinh doanh trái phép.

Chỉ vì chưa được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, một vấn đề đơn thuần là dân sự thương mại vậy mà cơ quan tư pháp đã hình sự hóa sự việc.
Vụ việc với tính chất vô lý rõ ràng khiến cho nhiều lãnh đạo cao cấp phải lên tiếng chỉ đạo như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư thành ủy Đinh La Thăng và Viện trưởng viện kiểm sát tối cao Lê Minh Trí.

Có một điểm cần lưu ý đó là vụ án đã tiến tới giai đoạn được tòa án lên kế hoạch đưa ra xét xử.
Tức là mặc dù ngang trái nhưng vụ án đã lọt qua được cả cơ quan điều tra, viện kiểm sát và sắp đến nữa là tòa án.
Câu hỏi đặt ra là vì sao các cơ quan tư pháp huyện Bình Chánh cùng làm sai? Vai trò kiểm soát phòng ngừa lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp đâu rồi?

Bộ luật tố tụng hình sự quy định viện kiểm sát có hai vai trò là kiểm sát điều tra và thực hành quyền công tố. Về vai trò kiểm sát điều tra đó là giám sát và phòng ngừa, đảm bảo hoạt động của cơ quan điều tra làm đúng theo các quy định pháp luật. Còn vai trò thực hành quyền công tố là truy tố bị can ra trước phiên tòa.
Vậy lâu nay viện kiểm sát thực hiện vai trò kiểm sát điều tra thế nào? Phải chăng đã bị vô hiệu hóa làm cho cùn nhụt đi chức năng kiểm soát phòng ngừa?
Thực tế qua các vụ án hình sự thì thấy viện kiểm sát lâu nay làm rất kém vai trò kiểm sát điều tra.
Vì sao nói như vậy? Bởi vì tôi không thấy sự khác nhau giữa có hay không có vai trò của kiểm sát viên. Trong các vụ án bình thường thì tự bản thân cơ quan điều tra họ cũng có ý thức làm đúng pháp luật rồi cho nên không cần lắm yếu tố kiểm sát. Còn trong những vụ việc có dấu hiệu làm sai thì viện kiểm sát lại chẳng có tác dụng kiểm soát ngăn chặn.
Khi tham gia các vụ án thì thấy quan điểm của viện kiểm sát thường chẳng khác gì cơ quan điều tra, kiểm sát viên rất ít tính phản biện đối kháng. Vai trò của kiểm sát viên chỉ như một người nhân viên dễ bảo của cơ quan điều tra mà thôi. Còn bản Cáo trạng thì thường gần như y nguyên nội dung của Kết luận điều tra, điều này tồn tại trong cả các vụ án bình thường và các vụ án có dấu hiệu oan sai.


Viện kiểm sát đã không làm được vai trò chức năng nhiệm vụ của mình. Nhà nước và nhân dân lập ra viện kiểm sát với hy vọng rằng cơ quan này có năng lực chuyên môn, có nghiệp vụ và kinh nghiệm sẽ là thiết chế đối trọng tương xứng để kiểm soát hoạt động điều tra, giúp ngăn chặn bạo quyền bảo vệ dân quyền. Nhưng thực tế chỉ toàn thấy thất vọng.

Nguyên nhân nào?

Vậy nguyên nhân nào khiến viện kiểm sát bị vô hiệu hóa mất đi chức năng kiểm soát phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm?
Có một nguyên nhân không mang tính chính trị hay pháp lý gì cả mà chỉ do những yếu tố rất đời thường nhưng ít được nhận ra, đó là trụ sở của hai cơ quan viện kiểm sát và cơ quan điều tra được bố trí quá gần nhau.

Ở các huyện thì thường bố trí trụ sở hai cơ quan cách nhau vài bước chân. Về số lượng người thì thường viện kiểm sát cấp huyện chỉ có dăm bảy kiểm sát viên, tính cả lãnh đạo và nhân viên chỉ khoảng một hai chục người. Số lượng ít như vậy mà làm việc với cơ quan điều tra lâu năm, trong quá trình công tác và sinh hoạt đoàn thể, các cơ quan này biết rõ cán bộ của nhau về nhân thân gia đình cũng như sở thích cá nhân.
Từ đó tạo ra tâm lý nể nang dĩ hòa vi quý trong công vụ, chức năng kiểm sát điều tra ngăn chặn phòng ngừa lẫn nhau theo đó đã bị vô hiệu hóa một phần.
Một nguyên nhân khác có yếu tố chính trị, đó là hai cơ quan này tuy là các thiết chế khác nhau nhưng cán bộ đều là đảng viên của một tổ chức đảng và cùng chịu sự lãnh đạo của một cấp đảng ủy địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Chấn đã được minh oan và bồi thường sau 10 năm thụ án tù oan
Cho nên trước mỗi vụ án họ dễ có nhận thức cùng chung bổn phận trách nhiệm chính trị và có cảm nhận tâm lý là người cùng một phía nhiệm vụ. Khi đó yếu tố chính trị đã làm suy yếu đi thuộc tính pháp lý đòi hỏi sự công tâm khách quan, yếu tố chung tổ chức lãnh đạo làm mất đi tính chất đối trọng kiểm soát ngăn ngừa. Vì lý do này mà nhiều nước họ quy định ngăn cấm cán bộ tư pháp tham gia đảng phái chính trị.
Năm 2003 ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ án giết người mà bị can là ông Nguyễn Thanh Chấn, sau 10 năm thụ án tù oan vừa qua ông Chấn đã được minh oan xin lỗi bồi thường.

Mới đây ông Đặng Thế Vinh là kiểm sát viên gây oan cho ông Chấn đã bị truy tố xử lý hình sự về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án. Ông này thay vì kiểm soát ngăn chặn cán bộ điều tra bức cung nhục hình gây oan thì chính ông lại tham gia vào việc bức cung bức ép ông Chấn phải nhận tội.
Nghiêm trọng hơn cũng chính kiểm sát viên này là người tiến hành tố tụng ở giai đoạn điều tra ban đầu và xét xử sơ thẩm một vụ án đang kêu oan khác, đó là vụ giết người và hiếp dâm trẻ em xảy ra ở huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang năm 2005 có bị can là Hàn Đức Long.

Một kiểm sát viên thuộc một cơ quan viện kiểm sát mà gây oan cho một người và một người khác thì đang kêu oan. Hai vụ đều có mức hình phạt có khả năng tước đi sinh mạng con người, thử hỏi chất lượng hoạt động kiểm sát còn không?
Trong một vụ việc khác cũng được dư luận quan tâm là vụ án của em Đỗ Đăng Dư ở Hà Nội, em này mới 17 tuổi là trẻ vị thành niên trộm cắp số tiền chỉ 2 triệu đồng nhưng đã bị cơ quan điều tra bắt giam giữ để rồi em bị bạn tù đánh chết. Trong khi pháp luật quy định không áp dụng biện pháp bắt ngăn chặn đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng.

Vụ án này cũng nổi lên vấn đề trách nhiệm của viện kiểm sát, cơ quan này thay vì ngăn chặn lại hùa theo việc làm sai. Chức năng kiểm sát điều tra coi như mất tác dụng.

Không chỉ vậy, Viện kiểm sát tối cao có một đơn vị trực thuộc là cơ quan điều tra có thẩm quyền khởi tố điều tra đối với các tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp. Trong việc bắt giam giữ em Đỗ Đăng Dư dấu hiệu của tội phạm tư pháp đã rõ, song cơ quan này cũng không khởi tố qua đó cũng làm cùn đi chức năng kiểm soát phòng ngừa.

Tất cả những điều trên cho thấy thiết chế viện kiểm sát đã không làm được vai trò của mình là kiểm sát điều tra, không ngăn giảm được bạo quyền lạm quyền, không bảo vệ được dân quyền.

Vai trò còn lại là công tố thì với tính chất công việc và năng lực thực hiện như lâu nay cho thấy, cũng chẳng có rắc rối gì nếu để cơ quan điều tra thực hành luôn quyền công tố.
Do đó có thể bỏ đi luôn hệ thống cơ quan viện kiểm sát.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một luật sư.



__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Featured post

Bản Tin cuối ngày-19/11/2024

My Blog List