Việt Nam hôm nay

https://lh4.googleusercontent.com/jwHXKk9yK83mb2U0iyp-OSXs7OZgoEcJKB4V-xqOO7STOu0djuO_hHd_dM8GkXjIamwCDoDrZRAdRPT5gaYIUOXwHgEk7mRpK7R7aGCo-eeVOtK72Nk

Saturday, 29 October 2016

Bạn Già và Đời Sống


Bạn Già và Đời Sống

The Networks of Chiến Sĩ Vô Danh Việt Nam Blog's

Friday, October 28, 2016

“Đừng sống giống như hòn đá”

 
 Cậu bé ngấu nghiến bát phở lần đầu tiên được ăn

Tôi thầm cảm ơn cơn mưa nặng hạt chiều hôm ấy, cảm ơn chiếc xe ve chai ì ạch mãi không qua nổi đường, cảm ơn thằng bé đã nhắc tôi nhiều điều về cuộc sống.
Tôi quay xe về nhà trong cơn mưa tầm tã như trút, cúi gập người tôi lao đi nhanh nhất có thể. Chợt trên đường, một chiếc xe ngập ve chai ì ạch qua đường khiến tôi chùn tay ga lại. Chiếc xe nặng nề như một con trâu sắt, cố nhích từng chút một cách khó khăn, mãi không qua khỏi đường. Lúc ấy, dưới con mưa như càng nặng hạt, một cuộc “cách mạng” tư tưởng đè nặng trong tâm trí.  Hoặc về nhà ăn, hâm bữa cơm nóng ăn cùng đứa con gái hoặc vòng lại để giúp đẩy phụ cho chiếc xe đầy rác và ve chai ấy.
Và cuối cùng tôi cũng quyết định vòng xe lại, nhấp từng chút một phía sau chiếc xe ve chai nặng nề ấy. Cơn mưa như trút nước, thế mà chiếc xe vẫn miệt mài băng qua con đường dài. Nhưng thật lạ, tôi chẳng thấy ai điều khiển, cứ thấy nó tự nhiên nhích dần về phía trước. Khi tiến lại gần hơn một chút, tôi đã ngỡ ngàng. Người đẩy con trâu sắt ấy thì ra một thằng bé đen nhẻm chừng độ 10 tuổi. Phong phanh một chiếc ba lỗ cũ màu, thân hình “dao găm”, cao không quá nửa chiếc xe, thằng bé đang gồng cả hai tay đẩy xe về phía trước. Nó ướt nhẹp trong mưa, đôi tay run rẩy vì sức nặng của chiếc xe, nhưng khuôn mặt vẫn tràn đầy quyết tâm. Lâu lâu nó lại lấy tay vuốt nước trên mặt xuống rồi tiếp tục gồng mình đẩy tiếp. Nặng nề và khó nhọc.
“Con đẩy xe đến đâu vậy?” – Tôi lên tiếng hỏi nó.
Nó ngoái lại nhìn tôi với một nụ cười gượng vì mệt : “Con đẩy đến chỗ xe ngoại, ở bên kia đường kìa chú. Đó ngoại con kìa”. Vừa nói nó vừa chỉ tay về phía trước.
Tôi ghé chân trái vào một bên xe, ra sức đẩy phụ nó: “Chú giúp con nhé”. Thằng bé nở một nụ cười rõ tươi nhìn tôi thầm cảm ơn.
Loay hoay mãi hồi lâu thế mà hai chú cháu vẫn không đẩy được. Lẽ thường vì một đứa trẻ gầy gò, ốm yếu như nó khó có thể lái được xe ve chai theo lực đẩy với chiếc xe máy 150cc của tôi.
“Con đứng đây coi chừng xe để chú đẩy tiếp cho con cho con rồi chút chú quay lại, đứng yên không được đi đâu nhé!” Tôi tấp vội xe vào lề, săn tay áo rồi gồng tay đẩy chiếc xe ve chai đi. Đặt mình vào vị trí của cậu bé, tôi mới cảm nhận được hết sự khó nhọc mà thằng bé phải làm. Tự hỏi sao một đứa trẻ như thế có thể đẩy đi một khoảng đường xa vậy? Sao nó vẫn còn có thể tươi cười như đẩy một chiếc xe đồ chơi – nhẹ bâng? Những chiếc bánh xe cũ kĩ, xiên vẹo đủ kiểu. Sắt đã gỉ gần hết lại chất đống ve chai cao ngất đầu người. Chiếc xe lê lết giữa lòng đường như đang muốn phản kháng chủ mình, yêu cầu “về hưu”.  Thế nhưng, sao có thể được, vì chiếc xe ấy là công cụ kiếm sống cho cả hai bà cháu nó.
Xong việc, tôi quay lại lấy xe, thấy thằng bé vẫn đứng dưới mưa trông chừng xe tôi. Tôi vội đặt thằng bé ngồi ngay ngắn phía sau mình, ngay cái vị trí mà đứa con gái tôi vẫn hay ngồi. Con gái tôi vẫn hay vòng qua ôm tôi, còn thằng bé dường như có một sự dè dặt nào đó nên ngồi cách xa hẳn người tôi.
Tôi hỏi vọng ra sau:
“Ngày nào con cũng phải đẩy xe như vậy hả?”
“Dạ, con đẩy phụ ngoại con, không ai phụ ngoại cả?”
“Sao con 10 tuổi mà con nhỏ thế, lười ăn cơm lắm à?”
“Nhà con đâu có gạo đâu chú.”
Tôi bỗng chùn người lại, hai tay hơi run, một sự ái ngại nào đó vừa mới chạy qua trong tâm trí. Nặng trĩu.
Đến nơi, tôi nằng nặc đòi mời hai bà cháu bữa cơm. Nhưng phải đến lần thứ 5 thì cả hai mới chịu vào quán bên đường. Tôi mừng không tả siết.
Vào tới quán, ngoại nhìn qua nhìn lại một lượt mấy món rất lâu, rồi gọi 1 phần cơm cá hú kho, dặn kỹ không bỏ ớt.
Cả hai ướt sũng, tôi thấy rõ được cả sự run rẩy qua từng thớ da trên người cậu bé. Thế mà, cả hai vẫn vui vẻ vì hôm nay xong sớm hơn mọi ngày. Hỏi chuyện mới biết thằng bé được học miễn phí tại một nhà thờ. Nhưng 5 năm rồi mà mãi lớp 1, ê a cũng chỉ đọc được vài từ. Song, bà ngoại ngày càng già yêu nên năm nay nó quyết định nghỉ học, đi lượm ve chai phụ thêm ít tiền.
Nó bưng tô phở húp, mặt sảng khoái. Cái niềm vui to lớn ấy khiến tôi nhớ lại mình ngày xưa, mỗi lần về nhà lại được thấy món sườn non ngon tuyệt do mẹ nấu. Thật sung sướng!
Ngồm ngoàm, ngấu nghiến tô phở bò nóng hùn hụt, thằng bé cười tươi: “Phở ngon quá ngoại ơi. Lần đầu tiên con được ăn ấy!”. Giọng nó lanh lảnh khiến tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé. Đã bao lần tôi dẫn con gái đi chơi, ăn uống ở những nơi sang trọng. Đồ ăn thừa thãi nhưng con gái vẫn hay đòi hết cái này đến cái khác. Đâu biết, ngoài kia cũng có những người như con tôi, nhưng cả cơm còn không có ăn huống hồ một tô phở vệ đường.
Thằng bé nhìn qua phía ngoại , thấy bà cầm đĩa cơm quay mặt ra đường ăn, đĩa cá còn nguyên trên bàn.  Chợt nó thay đổi thái độ 180 độ, giọng hạ thấp: “Ngoại ơi, con no quá, ngoại ăn giúp con đi…”
Thấy vậy, tôi thắc mắc hỏi: “Sao bà không ăn cá đi, chan nước không vậy?”
Thật thà bà nói: “Để chút xin thêm cơm rồi đem về cho đứa nhỏ ở nhà.”
Tôi bất giác nghĩ về mẹ. Ngày trước, mỗi lần mẹ dắt tôi đi ăn gà rán, tôi ăn ngon lành, nhai nát cả xương. Hỏi sao mẹ không ăn thì mẹ chỉ cười bảo: “Mẹ nó rồi. Con trai mẹ ăn nhiều vào”. Lúc đó tôi đã là sinh viên năm nhất, vậy mà tôi không biết rằng “no” của mẹ là sự nhường nhịn, “no” khi nhìn thấy con ăn ngon thì mẹ sẽ vui lòng.
Xe bán bánh kem chạy ngang qua, bật nhạc inh ỏi. Cậu bé quay người nhìn theo, rồi hồn nhiên nói với bà: “Ngoại ơi, sau này mình có tiền mình mua thử bánh kem ăn nha ngoại”.  Nghe thấy vậy, tôi vội chạy đi, gọi được xe bán bánh kem quay lại.
2saigon3
Cậu bé đứng tần ngần trước chiếc xe bán kem
“Con lựa bất kì bánh kem nào con thích, nhưng phải ăn hết tô phở mới được ăn bánh kem đó nhé!”.  Tiếng “dạ” rõ to, nó húp vội tô phở, sạch cả nước.
Thằng bé đứng trước xe bánh, mắt đảo qua đảo lại bên hai chiếc bánh gato lớn, nhưng cuối cùng nó chọn một cái bánh loại nhỏ. Tôi hiểu rằng nhóc không muốn lợi dụng tôi vào lúc này nên cũng không lên tiếng. Nó cảm thấy vui thì tôi cũng vui lây.
Ăn xong, hai bà cháu chào tôi ra về. Một tay xách phần cơm mới, một tay xách bịch cơm thêm cùng miếng cá lúc nãy bà chưa ăn. Tôi thanh toán tiền, đứng dậy chào hai bà cháu. Thằng bé nhìn tôi nở nụ cười tươi rồi lên tiếng cảm ơn. Tôi cảm thấy an lòng khi nó hứa là sẽ đi học lại khi tôi bảo “Muốn sau này nuôi được ngoại thì con phải đi học lại và phải học giỏi, không được ngừng học khi con có thể đi học.”
Tôi thầm cảm ơn cơn mưa nặng hạt chiều hôm ấy, cảm ơn chiếc xe ve chai ì ạch mãi không qua nỗi đường, cảm ơn thằng bé vì nhắc tôi nhiều điều về cuộc sống. Nó khiến tôi cảm thấy những khó khăn mà mình mắc phải chả là gì. Nhắc tôi kiểm tra lại toàn bộ nhân viên tạp vụ, nhân viên giúp việc nhà của công ty mình, biết đâu cũng có những hoàn cảnh tương tự. Và đặc biệt nhắc tôi về những bữa cơm gia đình mà tôi vẫn thường hay bỏ lỡ.
2saigon-4
Tác giả trong một lần đi tìm những cậu bé sống dưới gầm cầu qua một bài báo
Chợt câu hát của cố nhạc sỹ Trần Lập vang lên trong đầu: “Đừng sống giống như hòn đá. Sống không một tình yêu, sống chỉ biết riêng mình. Tâm hồn luôn luôn băng giá…”. Hình ảnh cậu bé ấy cũng như lời của bài hát, mãi mãi in đậm trong tâm trí tôi.
 Đinh Chí Thành
Posted by at 9:25 AM


__._,_.___

Posted by: =?UTF-8?Q?Nha_K=E1=BB=B9_Thu=E1=BA=ADt

No comments:

Post a Comment

Featured post

Bản Tin cuối ngày-19/11/2024

My Blog List