Những bà nội trợ 'cô đơn'
Thiên Thanh Gửi
cho BBC từ Sài Gòn
- 22
tháng 10 2016
Ý kiến nói người nội trợ Việt hiểu câu khẩu hiệu "hãy làm
người tiêu dùng thông minh" của quan chức mỗi khi có vấn đề báo động về an
toàn thực phẩm chỉ nhằm trốn tránh trách nhiệm.
Cả tuần nay, công bố của Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas)
về cái gọi là "69% mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu về asen (thạch tín) -
một loại á kim cực độc" với sự tiếp tay truyền thông của báo chí lề phải
đã làm không ít chị em phụ nữ băn khoăn - nói đúng từ đang hot là "quan
ngại sâu sắc".
Có lẽ đây là lần thứ "n" vấn đề về an toàn thực
phẩm khuấy động mâm cơm trong các gia đình Việt, trên cái nền là một bức tranh
u ám về sự kiểm soát thực phẩm của Nhà nước.
Phải "làm người tiêu dùng thông minh" khiến chúng tôi
mệt rồi!
May mắn là nhờ có mạng xã hội Facebook với sự tham gia của rất
nhiều nhà báo "lề trái" đã cung cấp cho người tiêu dùng kiến thức về
asen trong thuỷ hải sản là asen hữu cơ và không có độc. Tuy nhiên, đâu phải bà
nội trợ nào cũng biết vào mạng để cập nhật thông tin?
Người nội trợ Việt từ lâu đã hiểu câu khẩu hiệu "hãy làm
người tiêu dùng thông minh" của quan chức mỗi khi có vấn đề báo động về an
toàn thực phẩm chỉ nhằm trốn tránh trách nhiệm mà thôi.
Bởi phải làm người tiêu dùng thông minh có nghĩa lúc nào cũng căng mắt ĐỌC và căng tai NGHE
nhiều chiều trong trận đồ bát quái thông tin luôn có xu hướng tạo nên sự sợ hãi
bệnh tật như hiện nay và tự tìm ra giải pháp cho mình chứ đừng mong sự hỗ trợ
giúp đỡ của các cơ quan Nhà nước. Phải làm người tiêu dùng thông minh trong hàng chục năm nay khiến
các bà nội trợ điên đầu và nói thật, chúng tôi mệt rồi!
Tại sao cái nơi cấp giấy phép cho các công ty xí nghiệp sản xuất
thực phẩm là Cục an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế không lên tiếng về chuyện
Vinastas công bố hàm lượng asen trong nước mắm là đúng hay sai mà chỉ có một
ông đại biểu quốc hội lên tiếng bên lề cuộc họp Quốc hội ngày 20/10? Trên trang thông tin của Cục đến ngày
21/10 cũng không có một thông tin nào về vụ nước mắm.
Thương phụ nữ Việt là phải có những phán quyết công tâm trước những chiến dịch truyền thông bẩn của các ông chủ nhiều tiền - những kẻ sản xuất bẩn nhưng lại thích đầu độc người tiêu dùng bằng các chiêu trò quảng cáo nhắm vào nỗi sợ hãi bệnh tật - chứ không phải là đi dự lễ kỷ niệm một ngày lễ vô nghĩa, rất vô nghĩa với đa số phụ nữ Việt!
Thôi đừng mơ đến ngày nào đó ở Việt Nam cũng có FDA - Food and
Drug Administration (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ). Ngày nay không
chỉ dân Mỹ mà người dân các nước khác khi cầm thực phẩm và dược phẩm có đóng
dấu FDA của Mỹ đều cảm thấy tin tưởng và yên tâm sử dụng. Có lẽ vì FDA không khoán
trắng trách nhiệm cho các bà nội trợ Mỹ bằng cách kêu gọi họ phải thông minh!
Bà nội trợ cô đơn, giống như người dân Việt cô đơn, tự giúp nhau
là chính!
'Thích nghi cao độ'
Từ lâu, các bà nội trợ Việt đã biết mình cô đơn khi tự mình phải
chọn lọc thông tin để biết mua sắm thực phẩm an toàn cho gia đình mình. Trên mạng, người Việt đang chỉ nhau cách phân
biệt thực phẩm bẩn và sạch; chỉ nhau nơi mua sắm thực phẩm tin cậy; chỉ nhau
cách trồng rau, làm giá, nuôi nấm và tự chế biến đủ loại thực phẩm thức uống
tốt cho sức khoẻ. Không ít phụ nữ khoe vườn rau mình mới thu hoạch trên sân
thượng, khoe giá mình mới ủ và khoe các món ruốc cá, thịt mình tự làm…
Người tiêu dùng Việt và các bà nội trợ Việt đang cô đơn đến mức
cực đoan: họ thích cách "tự cung tự cấp" - mình tự làm thì mới dám
ăn, mới dám tin rằng an toàn, không hoá chất!
Thử tưởng tượng một ngày nào đó, tất cả các gia đình Việt đều tự
mình "tự cung tự cấp" các loại thực phẩm thức uống giống như thời kỳ
nguyên thuỷ của loài người thì xã hội này chắc sẽ biến mất các công ty, các tập
đoàn và các cơ quan thuế?! Chuyện
có vẻ viễn tưởng nhưng có khi như thế truyền thông sẽ trong sạch hơn vì không
còn quảng cáo từ các ông chủ bẩn!
Nhìn rộng ra toàn cảnh xã hội, mới thấy không chỉ các bà nội trợ Việt cô đơn trong thế
giới thực phẩm đầy nỗi lo "nhiễm độc" mà toàn thể người dân Việt đang
cô đơn, vì họ phải tự chèo chống giúp nhau là chính, khi bị côn đồ đánh đập,
khi bị công an sách nhiễu, khi gặp thiên tai lũ lụt.
Vụ việc tiêu biểu gần đây nhất là việc ngư dân các tỉnh Quảng Bình
- Hà Tĩnh phải bỏ nghề đánh cá vì vùng biển bị nhiễm độc do chất xả thải từ Formosa.
Ai đã mau mắn giúp họ cứu đói và giúp con họ có cơ hội đến trường? Chỉ có tấm
lòng của người dân từ các vùng khác.
Và rồi đến khi các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh gặp ngập lụt vì các hồ
thuỷ điện xả lũ "đúng quy trình" - cả một làn sóng quyên góp rào rào
trên Facebook cũng phát xuất từ các cá nhân hoặc các nhóm thiện nguyện, hoàn
toàn không liên quan gì đến các hội đoàn do Nhà nước lập ra!
Có lẽ rồi đây sự cô đơn của người dân Việt trong bối cảnh không
trông mong được gì vào chính quyền đương nhiệm sẽ được ghi vào sử sách loài
người thế kỷ 21 rằng: "Người tiêu dùng Việt và người dân Việt được xếp
hạng thông minh nhất trên thế giới vì họ luôn thích nghi cao độ trước mọi hoàn
cảnh hiểm nghèo không thể hình dung nổi!".
Bài viết thể văn phong và quan điểm riêng của tác giả, là giáo
viên từ thành phố Hồ Chí Minh. Quý vị có ý kiến về chủ đề này, xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment