Một
khoảng trống trong xã hội dân sự Việt Nam
15-05-2015
Có thể nói,
sự kiện bảo vệ 6700 cây xanh được xuất phát từ những thắc mắc và bất bình của
nhiều người dân Hà Nội khi chứng kiến sự đốn hạ các cây xanh, thậm chí cả các
cây khỏe mạnh trên các con phố. Sự hoang mang được chuyển lên mạng xã hội, chủ
yếu là facebook. Sự ra đời của facebook “6700 người cho 6700 cây” và sau này
một số trang facebook khác đáp ứng nhu cầu lên tiếng của nhiều người, mà trước
đây họ chỉ than thở đơn lẻ.
Chính nhờ các trang mạng xã hội mà các chia sẻ và
năng lượng được tập hợp, lan truyền và nhân rộng. Sự lên tiếng của mạng xã hội
đã được cộng hưởng bởi báo chí nhà nước, đẩy sự quan tâm của xã hội lên cao với
sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân như chính khách, nghệ sĩ, hoặc sinh
viên, trí thức.
Đỉnh điểm tác động của mạng xã hội là kiến nghị
được ký bởi hơn 22 nghìn người dân, yêu cầu UBND thành phố dừng dự án thay thế
cây, đồng thời cung cấp thông tin về dự án cho người dân biết. Tiếp đó, hoạt
động trên mạng xã hội đã được chuyển thành hoạt động picnics, tuần hành vì cây xanh vào các Chủ Nhật ở hồ Hale và hồ Hoàn
kiếm. Chính sự lên tiếng của người dân đã dẫn đến quyết định tạm dừng dự án của
chủ tịch UBND thành phố, đình chỉ công tác của một số cán bộ cấp phòng, và
thanh tra toàn bộ dự án thay thế cây.
Trong toàn bộ quá trình này, sự tương tác giữa xã
hội dân sự, mà cụ thể là trang facebook “6700 người cho 6700 cây” với chính
quyền thành phố là một điều đáng chú ý. Sau khi thu thập được chữ ký của 22
nghìn người, trang facebook thông qua quan hệ cá nhân đã có được một cuộc gặp
với Sở xây dựng, UBND thành phố và HĐND Thành phố để trao kiến nghị của 22
nghìn công dân.
Tuy nhiên, có một sự “bối rối” từ phía chính quyền về tư cách
đại diện của những người trao kiến nghị. Từ trước đến nay, chính quyền hay hỏi
“tư cách pháp nhân” của người đến gặp mình vì tâm lý “nắm người có tóc”. Chính
vì vậy, dù 22 nghìn người dân thành phố ký tên, họ vẫn không trả lời các kiến
nghị, vì đơn giản “biết trả lời cho ai”.
Ngoài việc gửi kiến nghị, trang “6700 người cho
6700 cây” còn có hoạt động vẽ bản đồ cây xanh trên các con phố, phục vụ cho
việc giám sát và quản lý cây xanh. Việc này được làm bởi các tình nguyện viên.
Tuy nhiên, khi muốn “chuyển giao” kết quả và ý tưởng cho UBND thành phố, một
vấn đề tương tự cũng được đặt ra, ai là người có tư cách pháp nhân để phối hợp
với UBND thành phố trong việc triển khai ý tưởng này?
Bỏ qua tranh luận về liệu một nhóm người dân có
cần “tư cách pháp nhân” không khi làm việc với chính quyền thành phố, sự kiện
cây xanh lộ ra một khoảng trống lớn trong xã hội dân sự Việt Nam: đó là sự
thiếu vắng của các tổ chức phi chính phủ có tư cách pháp nhân hoạt động ở cấp
địa phương (thành phố, quận huyện). Hiện tại, hàng trăm tổ chức phi chính phủ
có trụ sở ở Hà Nội nhưng chỉ triển khai dự án ở các tỉnh miền núi, nông thôn.
Họ hỗ trợ dự án tài chính vi mô cho phụ nữ ở Hà Giang, bảo vệ rừng ở Cà Mau,
hay phòng chống buôn bán người ở Lào Cai. Nhiều tổ chức có hoạt động ở Hà Nội nhưng lại chủ yếu vào vận
động chính sách, góp ý sửa đổi luật ở cấp trung ương. Hầu như không có tổ chức
nào có hoạt động với người dân thành phố, giải quyết các vấn đề mà người dân
thành phố đang gặp phải.
Điều này đặt ra một câu hỏi lớn về sức mạnh của
các tổ chức phi chính phủ nói riêng, và xã hội dân sự Việt Nam nói chung. Dường như, các tổ chức đang được ra đời để triển khai dự án ở
một vùng nào đó, cho một nhóm dân cư nào đó, chứ không phải là để huy động sự
tham gia của người dân địa phương vào các hoạt động của cộng đồng. Nơi có hoạt
động của NGO thì NGO là từ nơi khác đến, nơi có NGO đặt trụ sở thì lại không có
hoạt động của NGO.
Có thể nói rằng, xã hội dân sự có mạnh hay không
phụ thuộc phần lớn vào sự gắn kết của nó với người dân. Nếu các tổ chức xã hội
dân sự có các thành viên là chính người dân ở cộng đồng, giải quyết chính các
vấn đề của họ ở cộng đồng, thì chắc chắn xã hội dân sự sẽ mạnh hơn vì có cả
tính chính danh lẫn khả năng huy động tham gia của người dân. Nói cho cùng, dân
chủ chính là để người dân tham gia vào quản lý công việc của mình. Nếu điều này
không xảy ra ở cấp cộng đồng thì làm sao xảy ra ở cấp quốc gia?
Đây chính là một khoảng trống lớn mà những người
quan tâm đến xã hội dân sự cần suy nghĩ!
__._,_.___
Posted
by: <vneagle_11@yahoo.com>
No comments:
Post a Comment