Việt Nam hôm nay

https://lh4.googleusercontent.com/jwHXKk9yK83mb2U0iyp-OSXs7OZgoEcJKB4V-xqOO7STOu0djuO_hHd_dM8GkXjIamwCDoDrZRAdRPT5gaYIUOXwHgEk7mRpK7R7aGCo-eeVOtK72Nk

Monday, 4 May 2015

Tín đồ Hòa Hảo tình nguyện chữa bệnh cho người nghèo


Tín đồ Hòa Hảo tình nguyện chữa bệnh cho người nghèo

RFA-03-05-2015

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
05032015-hoa-hao-follow-volun-treat-poor.mp3 Phần âm thanhTải xuống âm thanh
Trung tâm khám chữa bệnh từ thiện ở chùa Phật Tổ, Cà-Mau
Trung tâm khám chữa bệnh từ thiện ở chùa Phật Tổ, Cà-Mau
RFA

Họ là những cư sĩ, sống đời thanh đạm và nguyện noi gương Đức Huỳnh Giáo Chủ, đi chu du thiên hạ để làm việc thiện, gieo hạt mầm thiện lành nhằm xoa dịu vết đau của những cuộc đời không may mắn. Có thể quãng đường của họ đi không xa nhưng ước mơ và ý nguyện của họ thì rất dài, bước chân của họ tìm đến những nơi nghèo khổ, khốn khó nhất của đất nước hoặc chí ít cũng là nơi eo óc, khổ sở nhất của xứ Tây Nam Bộ. 

Những tín đồ Hòa Hảo đã tự nguyện làm những hành nhân đi chữa bệnh cho người nghèo, không cần bất cứ một sự đổi chác nào, đơn giản, ước mơ của họ là chữa lành bệnh cho những người khốn khó.

Những góc khuất đời sống
Ông Nhuận, một tín đồ Hòa Hảo ở Cà Mau, chia sẻ với chúng tôi: “Tôi đi nhiều nơi nhiều chỗ như Thới Bình, Cái Nước, Trần Văn Thời hoặc Năm Căn… đi xuyên suốt không có ngày nào ở nhà. Mình chở thuốc theo ai xin thì mình cho, hoặc bắt mạch. Mình đi hay gặp chỗ khó khăn vì chính quyền không thống nhất. Giờ muốn được việc mình thì phải nhịn đảng thôi. Mỗi lần đi khoảng 20 – 30km vì mình ghé chỗ này một chút chỗ kia một chút chứ không có ở lâu”

Ông Nhuận chia sẻ thêm là trong cuộc đời hơn bảy mươi tuổi và gần sáu mươi năm theo đức Huỳnh Giáo Chủ để tìm chơn nguyên cuộc sống, tìm lẽ đạo, lẽ đời, ông nhận ra cuộc sống của mình thật ý vị và không uổng phí. Với sức khỏe của một võ sư, tu luyện và tập dượt mỗi sáng sớm, sau đó lễ Phật, chay tịnh, thiền định chừng 15 phút và chuẩn bị hành lý lên đường, một ngày mới bắt đầu.

Một ngày mới của ông Nhuận với chiếc xe đạp sắt cũ dong ruổi khắp nơi, lúc lên núi, khi xuống biển, tìm những căn nhà nghèo để ghé thăm, hỏi chuyện đời, sau đó nhìn từng người để xem cơ địa của họ và nếu có ai khiến ông nghi vấn đang mang bệnh nào đó thì xin phép họ mười phút để xem mạch, sau đó tư vấn cho họ cách ăn uống và không quên bốc một thang thuốc Nam tặng cho họ, cho số điện thoại, dặn nếu như uống thuốc thấy mạnh khỏe thì hãy gọi điện thoại để ông gửi thuốc đến tặng.

Thường thì những người nào từng uống thuốc của ông Nhuận đều gọi đến vài lần để yêu cầu bốc thuốc thêm. Và đương nhiên là không bao giờ ông nhận tiền thuốc, trong trường hợp người chữa bệnh nghèo khổ quá, ông Nhuận về nhà xin gạo của vợ con hoặc các đạo hữu để đến biếu cho họ.

Ông Nhuận cho biết thêm là nhiều đạo hữu khác cũng đi làm việc thiện giống như ông. Và để có tiền để duy trì đời sống gia đình, hoằng dương việc thiện, các đạo hữu đã hợp tác để làm những quán cơm chay, trồng rau, trồng cây bonsai bán trên thị trường và cũng có thể chữa bệnh cho những bệnh nhân khá giả để lấy tiền sung vào quĩ. Tỉ lệ sung vào quĩ là 50%, số tiền còn lại các đạo hữu được phép giữ để chi tiêu, tiếp tục làm việc thiện.

Trờ về chùa sau một chuyến đi chữa bệnh
Trờ về chùa sau một chuyến đi chữa bệnh

Nhưng rất tiếc là hiện tại, số đạo hữu tình nguyện làm việc thiện ở những khu vực nông thôn hẻo lánh cũng chỉ ngót nghét vài chục người nhưng nhu cầu chữa bệnh của người nghèo lại quá cao. Hầu như đi bất kì vùng nông thôn hẻo lánh nào, các đạo hữu Hòa Hảo đều nhận ra nơi ấy cần một sự chia sẻ, giúp đỡ trên mọi nghĩa. Chính vì vậy, trong một số trường hợp bệnh nặng nhưng không có tiền đi bệnh viện, các đạo hữu vừa giúp đỡ thuốc men chạy chữa vừa đi vận động, xin từng nhà, từng chùa để giúp đỡ, mặc dù sự giúp đỡ này đôi khi cũng vô vọng.

Như trường hợp một gia đình Kh.mer ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, người chồng bị bệnh nan y, người vợ bị huyết áp cao, ba đứa con nhỏ phải nghỉ học sớm để phụ giúp cha mẹ đi bắt ốc, đắp đầm tôm thuê mà kiếm tiền. Mặc dù các đạo hữu đã cố gắng giúp đỡ nhưng chẳng thể giúp cho trọn vẹn được, bởi lực bất tòng tâm.

Một bộ phận người bị lãng quên
Một vị đạo hữu khác, tên Phúc, có thâm niên gần hai chục năm chữa bệnh từ thiện ở các trung tâm từ thiện Tây Nam Bộ, chia sẻ: “Đi đến từng nhà rồi hốt thuốc, rồi chỉ cho người ta cách sắc thuốc nam, cũng giống thuốc bắc vậy đó. Rồi trị, chỉ cách sắc thuốc Nam. Sau này sẽ có bệnh viện Hòa Hảo mở ở Cà Mau này. Hội chữa bệnh không lấy tiền, chỉ làm từ thiện thôi, ai khá khá thì gửi hội một ít tiền để ủng hộ người nghèo…”.
Ông Phúc chua chát nói với chúng tôi rằng hiện tại, dù hiểu theo cách gì đi nữa thì cũng không thể chối bỏ một sự thật là một bộ phận lớn dân tộc thiểu số người Kh.mer Tây Nam Bộ bị bỏ quên, họ sống rất khó khăn, nghèo khổ, tương lai tăm tối.

Bởi quá nghèo nên rất nhiều gia đình không có cơ hội cho con đến trường, hơn nữa, đường sá xa xôi, muốn con học đến cấp phổ thông trung học phải tốn khoảng chi phí thuê trọ trên thị trấn, thị xã, trung tâm huyện. Mà với nhiều gia đình Kh.mer cái ăn còn không đủ huống chi chuyện cho con ở trọ để học. Chính vì vậy, phần đông trẻ em Kh.mer không đến trường, thanh thiếu niên không biết trường đại học là gì và cuộc sống đối với họ là quần quật làm, quần quật tồn tại và đôi khi làm mãi đến lúc đổ bệnh không có tiền chữa trị phải đi ăn xin.

Những người Kh.mer bị bỏ quên giữa xã hội là nỗi nhức nhối không chỉ riêng của các đạo hữu Phật Giáo Hòa Hảo, mà hầu hết những ai còn chút lương tri đều suy nghĩ về số phận của họ. Nhưng giữa suy nghĩ, trăn trở và giúp đỡ vẫn là một khoản cách quá lớn. Thậm chí khoản cách giữa tuyên truyền, ca ngợi lòng bác ái và thực tâm giúp đỡ cũng là một đường ranh giới khó phá bỏ.

Cũng theo ông Phúc, nhu cầu tối thiết của người Khmer Tây Nam Bộ hiện tại là một chính sách tốt đẹp, thực lòng và đừng làm theo kiểu hình thức cho có làm nhưng chẳng ra trò trống gì. Nhưng điều đó thật là khó trong lúc này. Càng khó, nhóm thầy thuốc nhà vườn của các đạo hữu Hòa Hảo lại càng phải nỗ lực để giúp đỡ. Bởi mọi ngóc ngách cuộc đời, mọi ngóc ngách xã hội Việt Nam, nhất là đồng bào thiểu số vẫn chưa bao giờ chạm được vào văn minh và mức sống của con người hiện đại. Đây là một câu hỏi lớn mà chỉ có lương tri và trách nhiệm của giới lãnh đạo đất nước mới có thể trả lời rõ ràng.

Rất tiếc, nỗi khốn khổ ở thôn quê miền Tây Nam Bộ nói chung và cộng đồng người Kh.mer nói riêng vẫn còn là câu hỏi bị bỏ ngõ nhiều năm nay!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Featured post

Bản Tin cuối ngày-19/11/2024

My Blog List