"Kiếp Lưu Vong"
© 2015 Cao-Đắc Tuấn
- Tóm lược: Nguyễn Viết Dũng, một thanh niên sinh sống tại Việt Nam, viết bài thơ "Kiếp Lưu Vong," mô tả nỗi đau xót của tuổi trẻ trong cuộc sống đọa đầy dưới sự cai trị cộng sản. Bài thơ biểu lộ nỗi niềm đau thương của một thanh niên sống trên quê cha đất mẹ nhưng tưởng như đang sống kiếp lưu vong nơi xứ lạ quê người, vì đất nước anh đang bị cai trị bởi cộng sản. Bài thơ gửi các câu hỏi đến toàn thể dân Việt Nam là lời kêu gọi nhắc nhở toàn dân đến lịch sử oai hùng và niềm thiết tha giành lại tự do đã bị cộng sản cướp đi. "Kiếp Lưu Vong" là một bài thơ chính trị tuyệt diệu, dùng thể loại thơ bốn câu vần liên kết, thích hợp cho mục tiêu kêu gọi đấu tranh. Những ẩn dụ độc đáo diễn tả ý tưởng chống đối và kêu gọi một cách tinh tế. Qua các câu hỏi tu từ, bài thơ có tác dụng thuyết phục rất hiệu quả trên giới trẻ tại Việt Nam hiện nay, và do đó cần được truyền bá rộng rãi.
*
Vào ngày 30 tháng 4 năm 2014, một lá cờ
vàng ba sọc đỏ, quốc kỳ nước Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), bay phất phới
trên nóc nhà một căn nhà tại Nghệ An. Đây là lần đầu tiên trong lịch
sử, lá cờ chính nghĩa của VNCH tung bay công khai trên đất nước Việt
Nam sau ngày cộng sản xâm lăng và chiếm đóng quốc gia VNCH vào ngày 30
tháng 4 năm 1975. Sự kiện lá cờ VNCH bay trên nước Việt Nam vào ngày
quốc hận 30 tháng 4 cho thấy dân tộc VNCH vẫn còn sống hùng mạnh và
nước VNCH chỉ đang bị chiếm đóng bởi nhóm cộng sản (Xem, thí dụ như,
Cao-Đắc 2015a). Lá cờ VNCH đó do Nguyễn Viết Dũng, biệt danh
"Dũng Phi Hổ," một thanh niên 28 tuổi lúc bấy giờ, tự làm
và treo trên nóc nhà anh.
Tuy sinh trưởng dưới chế độ cộng sản và
hấp thụ lối giáo dục tẩy não và nhồi sọ của cộng sản, Nguyễn
Viết Dũng không trở thành nạn nhân của chính sách cộng sản đầu độc
tư tưởng đã hãm hại hàng triệu thanh thiếu niên ưu tú Việt. Dũng tự
nghiên cứu và tìm tòi về đảng cộng sản Việt Nam, chiến tranh Việt
Nam, và chính thể VNCH. Sau nhiều năm tìm tòi và học hỏi, Dũng phát
huy nhiều ý tưởng về cuộc đấu tranh cho tự do.
Một trong những ý tưởng của Dũng trong
cuộc đấu tranh cho tự do được ghi nhận trong bài thơ "Kiếp Lưu
Vong" do Dũng viết. Bài thơ "Kiếp Lưu Vong" nói lên tâm
trạng bi thương của Dũng trước cảnh đất nước Việt Nam bị cộng sản cai
trị và niềm mong ước toàn dân Việt Nam sẽ đứng lên giành lại tự do
và phục hồi lại chính nghĩa quốc gia. Bài thơ "Kiếp Lưu
Vong" được nhạc sĩ Dzuy Lynh phổ nhạc với cùng nhan đề. Bài thơ
được chính Nguyễn Viết Dũng đọc và bài hát được nhạc sĩ Dzuy Lynh
hát trong một video clip đăng trên You Tube (Xem, thí dụ như MrBinhBet
2015).
Trong bài này, tôi sẽ chỉ thảo luận về
bài thơ "Kiếp Lưu Vong," và sẽ không thảo luận đến ca khúc
cùng nhan đề do nhạc sĩ Dzuy Lynh viết. Lý do là tôi muốn chú trọng
vào ý nghĩa của bài thơ và tác giả Nguyễn Viết Dũng. Ca khúc do
nhạc sĩ Dzuy Lynh viết là bài hát rất hay và gây cảm xúc mạnh. Độc
giả hãy lắng nghe và thưởng thức bài thơ và ca khúc tại đoạn video
trên YouTube (MrBinhBet 2015).
Tiểu sử của Nguyễn Viết Dũng như sau (Mộc
2015):
Nguyễn Viết Dũng sinh ngày 19 tháng 6 năm 1986,
là con trai duy nhất trong gia đình có 4 anh em, tại tỉnh Nghệ An. Nên ghi
nhận ngày sinh 19 tháng 6 của Nguyễn Viết Dũng cũng là ngày Quân Lực
Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH). Dũng sinh ra và lớn lên trong gia đình mà cha mẹ
đều là nông dân, sinh sống bằng nghề cấy lúa. Ngay từ nhỏ Dũng đã học giỏi
toàn diện, đặc biệt rất giỏi về môn khoa học tự nhiên.
Với thành tích học tập xuất sắc, năm học lớp 12
(2004) Dũng được chọn tham dự cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia," một
cuộc thi kiến thức trên truyền hình dành cho học sinh trung học phổ thông do
VTV3 – Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức (Wikipedia 2015e). Kết cuộc Dũng lọt
đến kỳ thi Quý và đoạt giải ba. Trong kỳ thi đại học năm 2004, Dũng đậu Đại Học
Bách Khoa Hà Nội với số điểm 29/30, đứng đầu tỉnh Nghệ An lúc đó. Sau một
thời gian theo học đại học, Dũng tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và
những sự thật về đảng cộng sản Việt Nam, cũng như về cuộc chiến
tranh Việt Nam, và chính thể VNCH của miền Nam Việt Nam. Sau đó, Dũng
dấn thân vào con đường đấu tranh cho tự do và chính nghĩa quốc gia.
Ngày 30 tháng 4, 2014 lá cờ VNCH (cờ vàng ba sọc
đỏ) lần đầu tiên được treo trên nóc nhà Dũng tại Nghệ An. Ngay sau đó Dũng bị 5
công an đến bắt về đồn. Từ lúc đó trở đi Dũng và gia đình thường xuyên bị sách nhiễu,
nhưng Dũng vẫn kiên trì với lý tưởng của mình.
Ngày 12 tháng 4, 2015, Nguyễn Viết Dũng cùng 4
bạn trẻ tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh cùng người dân Hà Nội. Đến 11 giờ
cùng ngày, khi buổi tuần hành kết thúc, nhóm của Dũng tách đoàn đi về thì bất
ngờ bị công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ khẩn cấp với lý do vi phạm vào Điều 245
Luật Hình Sự (CTV 2015a; CTV 2015b; CTV 2015c). Căn cứ vào các quy định pháp
luật của nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại, Nguyễn Viết Dũng đã làm những việc mà
pháp luật không cấm. Nhưng hiện nay Dũng lại bị bắt giam và có thể bị nhà cầm
quyền Việt Nam gán cho một tội danh để khởi tố. Trong lúc bị giam giữ,
"do bày tỏ thái độ bất hợp tác nên Nguyễn Viết Dũng đã bị CA đánh đập
nhiều chỗ trên người, trong đó đau nhất ở phần xương sườn" (CTV 2015d).
Ngay sau khi Nguyễn Viết Dũng bị giam giữ, có nhiều tổ chức dân sự
lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền thả tự do và phản đối việc bắt giữ
tùy tiện của công an (Xem, thí dụ như, Bloc 2015; MLBVN 2015). Cho đến nay
(tháng 8 năm 2015) Nguyễn Viết Dũng vẫn còn bị giam giữ một cách bất
hợp pháp và gia đình vẫn chưa được gặp Dũng (Minh 2015).
Hình 1 là bức tranh chân dung Nguyễn Viết Dũng, cờ vàng
trên đất nước Việt Nam, và con hổ tượng trưng biệt danh "Dũng Phi
Hổ" của anh. Bức tranh do họa sĩ Trần Thúc Lân thực hiện dành
cho tổ chức Quỹ Tù Nhân Lương Tâm, một tổ chức cung cấp ủng hộ tinh
thần và vật chất cho các tù nhân lương tâm tại Việt Nam (Website: http://www.tnlt.net/).
Hình 1: Nguyễn Viết Dũng, cờ vàng,
và con hổ tượng trưng biệt danh "Dũng Phi Hổ"
và con hổ tượng trưng biệt danh "Dũng Phi Hổ"
Nguyên văn lời bài thơ "Kiếp Lưu
Vong" như sau (MrBinhBet 2015):
Em hỏi tôi: Sao thoát kiếp lưu vong?
Tôi cười buồn, tôi đâu hơn gì thế
Đôi mắt nàng buồn ướt hai dòng lệ
"Đến bao giờ dân tộc được tự do"?
Đến bao giờ dân tộc được tự do?
Khi cộng sản vẫn còn cai trị?
Tiếng gọi công dân rơi vào cơn mộng mị
của vòng quay cơm-áo-gạo-tiền
Em nhìn tôi xem: khác gì kẻ điên?
Sống kiếp lưu vong ngay trên đất mẹ
Dòng đời vẫn trôi: Tôi cúi đầu bàng bẽ
Dân khí cạn rồi?
Còn nhớ chăng tiếng trống Mê Linh?
Và xương máu tiền nhân khai hoang mở nước?
Lẽ nào ta mãi sống đời bạc nhược?
Để cộng nô kia mãi mãi đọa đày?
Đến bao giờ Hoàng Kỳ tung bay?
Thoát kiếp lưu vong, tự do mang về tới?
Câu hỏi này sao tôi đáp nổi?
Đồng bào ơi: Cùng đáp thay tôi.
Trong bài này, tôi dùng "khán giả" để chỉ người nghe, người đọc, hoặc người xem. Khi thảo luận các vấn đề ngữ học, tôi dùng "chữ" để chỉ cả mẫu tự (alphabet) và từ (word). Lý do là "từ" thường dễ bị lầm lẫn là "từ khi" hoặc "từ chỗ." Ý nghĩa của "chữ" thường rõ trong nội dung (Cao-Đắc 2014, 451).
Trước khi nói về bài thơ "Kiếp Lưu
Vong," tôi muốn nhân dịp này thảo luận tổng quát về thơ (poetry)
hoặc thi ca để đặt nền tảng giúp cho việc phân tích bài thơ
"Kiếp Lưu Vong."
A. Mục đích tối thượng của thơ, như mọi
tác phẩm nghệ thuật khác, là đem con người lại gần nhau; do đó, không
có gì lạ khi thơ được dùng trong việc chống đối những lực cản trở
việc này.
Thơ là gì? Làm thơ hay đọc thơ có lợi ích
gì? Đó là những câu hỏi căn bản về thơ. Tôi sẽ không thảo luận vào
chi tiết những khía cạnh kỹ thuật về thơ hay thi ca, như âm, vần, nhịp
điệu, và các quy luật cho các thể thơ. Độc giả có thể tìm hiểu thêm
trong các tài liệu khác. Xem, thí dụ như, Wikipedia 2015a; Wikipedia
2105b.
1. Định nghĩa và tác dụng của thơ:
Thơ có nhiều định nghĩa. Theo một định
nghĩa thông thường nhất, "[t]hơ là một dạng văn chương dùng các
phẩm chất thẩm mỹ và nhịp điệu của ngôn ngữ để đem lại những ý
nghĩa thêm vào, hoặc thay cho, ý nghĩa nôm na bề ngoài" (Wikipedia
2015a). Aristotle (384 TCN - 322 TCN) (TCN = trước công nguyên), triết gia
và khoa học gia Hy Lạp nổi tiếng, coi thơ "bắt chước" cuộc
sống vì "thơ mời mọc ta tưởng tượng đề tài là thực trong khi tự
nhận đó là hư cấu" (SparkNotes 2005). "Bắt chước" nghe có
vẻ không tốt, nhưng tôi nghĩ Aristotle, nếu sinh vào thời đại này, sẽ
dùng chữ " diễn tả" vì thực ra "diễn tả" một việc
giống như là "bắt chước" việc đó.
Như các thể loại nghệ thuật khác, mục
đích của thơ là diễn tả những gì xảy ra trong cuộc đời như cảnh
vật, tâm trạng, hoàn cảnh, ý tưởng, câu chuyện, xã hội, hoặc con
người. Do đó, cách diễn tả là điểm quan trọng trong thơ. "Đề tài
không quan trọng; chiều sâu của tưởng tượng, và cách đặt tưởng tượng
đó vào ngôn ngữ mới quan trọng" (Addonizio và Laux 1997, 66). Một trong
những điểm quan trọng của cách diễn tả tư tưởng là mức độ gợi ý
hoặc kích động suy nghĩ của người đọc. Để đạt mục tiêu này, người
viết, hoặc làm, thơ, thường được gọi là thi sĩ, phải biết cách khai
thác ý tưởng và những khái niệm căn bản của con người như vẻ đẹp,
đạo đức, và niềm tin. "Không ai có thể xưng là thi sĩ nếu người
đó không truy vấn ý tưởng, luân lý, và niềm tin của mình" (sđd.,
23). Điề̉u đó không có nghĩa là người làm thơ phải cố gắng diễn tả
những ý tưởng cao siêu, trừu tượng, hoặc lý thuyết. Cái truy vấn ý
tưởng nhiều khi chỉ đơn giản là ghi nhận tình cảm, nhất thời hay lâu
dài, về một kinh nghiệm sống nào đó. "Thơ mang ra cái gì bên
trong bạn - cho dù đó là một hồi tưởng, một ý tưởng triết lý, một
mối tình sâu đậm với một người khác hoặc thế giới, hoặc sự sợ hãi
thần thánh ma quỷ" (sđd., 22).
Trong bài này, tôi không thể thảo luận đầy
đủ các kỹ thuật làm thơ và các lý thuyết về viết thơ và đọc thơ,
thưởng thức thơ. Độc giả có thể tham khảo các tài liệu khác qua
sách vở hoặc trên mạng.
Làm thơ hay đọc thơ có lợi ích gì?
Đã có nhiều tài liệu nói đến sự ích
lợi của làm thơ hoặc đọc thơ. Các ích lợi tổng quát gồm có: thơ
giúp ta đối phó và đơn giản hóa sự phức tạp; thơ giúp ta phát huy
cảm tưởng sắc bén cho đồng cảm (empathy); đọc và viết thơ giúp ta
phát triển sức sáng tạo; thơ dạy ta truyền cuộc sống với sự đẹp đẽ
và ý nghĩa (Coleman 2012). Các ích lợi tổng quát này áp dụng cho cả
hai hoạt động viết thơ hay "làm" thơ, và đọc thơ. Ngoài các
ích lợi chung đó, mỗi hoạt động đểu có những ích lợi riêng của nó.
Thông thường, người viết thơ cũng đọc thơ, nhưng người đọc thơ không
nhất thiết là biết viết thơ.
Ích lợi của viết thơ khá nhiều, nhất là
với giới trẻ. Tôi có thể liệt kê một số: giúp phát huy tinh thần
cởi mở, chân thành, tinh tế, sâu sắc, nhạy cảm; củng cố niểm tự tin
và sức mạnh bản ngã; phát triển nhận diện và thông cảm; giúp củng
cố khả năng nói chuyện, biểu lộ ý tưởng, và tạo các mối liên hệ
bền vững; giúp phát triển tài dùng ngôn ngữ, cách dùng chữ; hiểu
biết thêm về các khía cạnh rộng lớn hơn và quý trọng cuộc sống hơn
(Pongo).
Ích lợi của đọc thơ gồm có: cải tiến
tài ăn nói và trí nhớ; cải tiến đường lối suy nghĩ phán đoán
(critical thinking); phát huy đồng cảm và sáng suốt; khuyến khích tham
gia vào các dạng nghệ thuật khác (Matus).
Những ích lợi trên tùy vào từng cá nhân,
và không phải ai cũng có được ích lợi giống nhau. Tuy có nhiều ích
lợi khác nhau, theo tôi, có một điểm ích lợi có lẽ tối thượng cho
cả viết thơ và đọc thơ. Ích lợi này có chung cho cả hầu hết các
lãnh vực nghệ thuật khác như văn xuôi, âm nhạc, hội họa, điêu khắc,
v.v. Đó là phát huy niềm thông cảm và hiểu nhau. Thơ đòi hỏi sự diễn
tả và sự hiểu cái diễn tả đó. Vì vậy, thơ có tác dụng giúp con
người hiểu nhau hơn và mang con người gần nhau hơn.
Hiểu nhau hơn không có nghĩa là thích hoặc
đồng ý lẫn nhau, nhưng ít nhất có sự hiểu biết về quan điểm và tâm
trạng của người khác. Nhờ vậy, sẽ có những cách đối xử hoặc biện
pháp đối phó có tính cách nhân bản và/hoặc dè dặt trong những mâu
thuẫn hoặc xung đột.
2. Thơ chính trị:
Thơ là một phần của thi ca, và như âm
nhạc, nội dung thơ có nhiều thể loại: tình yêu, cảnh vật, cuộc sống,
con người, xã hội, quê hương, chính trị, v.v. Trong chính trị, thơ có
thể có hai loại: chống đối và kêu gọi. Sự phân loại thường không rõ
rệt vì hai loại có thể được ghép chung vào một.
Như các hình thức chống đối bằng nghệ
thuật, thơ là một khí cụ thường được dùng để bày tỏ ý tưởng chống
đối. Thơ chống đối thường tấn công một hay nhiều vấn đề nào đó trong
xã hội và nhắm vào chính quyền. Các vấn đề này có thể là bất kỳ
vấn đề gì ảnh hưởng đến cuộc sống của dân, từ văn hóa cho đến kinh tế,
cơ cấu chính quyền, và ngoại giao. Thơ kêu gọi thường kêu gọi, hô hào,
kích động khán giả tham gia vào một hoạt động nào đó để đạt một
mục tiêu chính trị. "Sức mạnh của thơ dùng là khí cụ chống đối
là một bài thơ xuất sắc lôi kéo chúng ta, máu và xương, con tim và
trí tuệ, trong việc cung cấp hoặc kích động sự chống đối"
(Kenseth 1968, xvi). Hoạt động đó có thể là sự bày tỏ phản ứng hoặc
thái độ của dân về một sự chống đối đặc biệt, thí dụ hô hào dân
biểu tình chống lại phí phạm ngân sách trong việc xây tượng đài Hồ
Chí Minh. Thông thường, thơ kêu gọi gồm có sự chống đối, nhưng thơ
chống đối không nhất thiết gồm có, hoặc dẫn đến, lời kêu gọi.
Một trong những bài thơ chống đối nổi
tiếng nhất là bài "The Masque of Anarchy" (Mặt Nạ của Phi
Pháp) của Percy Bysshe Shelley (1792-1822), thi sĩ và văn sĩ Anh. Shelley
víết bài "The Masque of Anarchy" cho vụ thảm sát tại Manchester,
còn được gọi là thảm sát Peterloo, vào năm 1819. Bài thơ được coi có
ảnh hưởng trên Leo Tolstoy và Mahatma Gandhi và các cuộc đấu tranh bất
bạo động (Wikipedia 2015c). Bài thơ gồm có 91 đoạn. Mỗi đoạn có bốn
câu. Đoạn 8 và 9 của bài thơ như sau:
VIII.
Last came Anarchy: he rode
On a white horse, splashed with blood;
He was pale even to the lips,
Like Death in the Apocalypse.
IX.
And he wore a kingly crown;
And in his grasp a sceptre shone;
On his brow this mark I saw—
"I am God, and King, and Law!"
(Rồi tên Phi Pháp đến sau
Cưỡi con ngựa trắng vấy màu máu tươi
Làn da tái nhợt cả môi
Trông như thần chết trong thời đổi thay
Trên đầu vương miện trưng bày
Sáng ngời quyền trượng trong tay kẻ tà
Dấu hằn trên trán ghi ra
"Trời, Vua, Luật Lệ, chính là tao
đây!")
Một cách tiên tri, trong bài thơ "The
Masque of Anarchy," Shelley mô tả tình trạng xã hội hỗn loạn, phi
pháp, không có chính quyền, y như tình trạng tại Việt Nam hiện nay,
khi nhóm cầm quyền coi họ như Trời, Vua, và Luật Lệ.
Tuy mục đích gần của thơ chống đối là
chống chính quyền, mục đích xa và quan trọng hơn là cải thiện xã
hội, cuộc sống dân, và đôi khi cứu nguy cho đất nước. Do đó, thông
thường thơ chống đối có mục tiêu cứu dân độ thế, và nhắc đến lịch
sử quốc gia. Khái niệm này được nhấn mạnh bởi Czesław Miłosz (1911 -
2004), người đoạt giải Nobel về văn chương năm 1980. Miłosz viết bài thơ
"Dedication" (Lời đề tặng) vào năm 1945. Trong bài thơ
"Dedication," Milosz nói với một thi sĩ trẻ, chết trong lúc
Đức quốc xã chiếm đóng Warsaw (Nair 2011). Một đoạn trong bài như sau:
What is poetry which does not save
Nations or people?
A connivance with official lies,
A song of drunkards whose throats will be cut in
a moment,
Readings for sophomore girls.
(Thơ là gì nếu không cứu
Quốc gia và dân chúng?
Là đồng lõa với dối trá chính quyền,
Là bài hát cho những kẻ ghiền rượu bị
cắt cổ trong giây lát,
Là bài đọc cho các cô học trò lớp mười.)
Đối với Milosz, một bài thơ mà không nhắm
vào việc cứu giúp dân chúng hoặc tổ quốc thì chỉ là bài đọc vô
ích. Với ông, lịch sử rất quan trọng trong thơ. "Milosz đem lịch
sử vào thơ ông vì ông cảm thấy lịch sử dẫn dắt chúng ta, dù chúng
ta không thể khám phá tại sao và làm sao" (Lazer 2003). Việc tiếp
xúc với lịch sử cũng phải được bao gồm trong thơ vì ta không thể
tách rời học sử và học ngôn ngữ (sđd.). "Milosz coi trách
nhiệm viết của ông là nhớ những người đã chết trong cuộc nổi dậy
và trại tập trung và những người vẫn còn chịu đau khổ trong lao
tù" (Heaney 2011). Theo Milosz, có một mức độ ý thức dùng để
đánh giá thơ và thơ ở dưới mức độ ý thức đó là thơ dở và thơ đó
không cứu được ai hết (Addonizio và Laux 1997, 66). Do đó, chính khía
cạnh ý thức quyết định tính chất của thơ, cho dù thơ không nói trực
tiếp đến các đề tài chính trị hoặc lịch sử (sđd.).
Thơ chống đối không nhất thiết trực tiếp
phản đối chính quyền. Nhiều khi, thơ chống đối chỉ cần trình bày
các khía cạnh tệ mạt của xã hội. Vạch ra những tệ trạng xã hội
hoặc những hình ảnh gợi ra sự độc tài, tàn bạo, thối nát, tham
nhũng của chính quyền cũng là một cách chống đối. Sau đây là vài
thí dụ về các bài thơ Việt Nam có tính chất chống đối.
Tôi bước đi
không thấy phố
không
thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ
(Trần Dần - Nhất định thắng)
"Không có gì quý hơn độc lập tự do"
Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó
Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nó
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
(Nguyễn Chí Thiện - "Không có gì quý hơn
độc lập tự do")
Thơ chống đối có thể có hay không có hàm
ý kêu gọi người dân đòi hỏi chính quyền thỏa mãn sự chống đối. Khi
lời kêu gọi không rõ rệt, người đọc có thể không hiểu ý định của
tác giả.
Tuy thơ chính trị phản ảnh sự khác biệt
ý tưởng giữa dân và chính quyền, và thường biểu lộ sự bất mãn của
người dân đối với các hiện trạng xã hội hoặc các hành động chính
quyền, mục tiêu tối thượng của thơ chính trị, như mọi loại thơ khác,
là tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau và mang con người lại gần nhau hơn.
Khi có những bất công trong xã hội, hoặc khi chính quyền bất chấp
nguyện vọng của người dân, hoặc có những hành động đi ngược lại
quyền lợi quốc gia tổ quốc, con người bị tách xa nhau và tạo nên căng
thẳng, mâu thuẫn, và có thể dẫn đến xung đột bạo lực. Do đó, thơ chính
trị có mục đích xóa bỏ những cản trở này để đem lại ổn định và
trật tự cho xã hội và quốc gia. Ngoài ra, trong một nước dưới chế
độ độc tài, điển hình là nước Việt Nam cộng sản hiện nay, chế độ
cộng sản là một cản trở cho sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau. Thơ
chính trị (chống đối và/ hoặc kêu gọi), do đó, nhắm vào đánh đổ sự
cản trở này để đem con người lại gần nhau hơn.
Một khía cạnh quan trọng về thơ chống đối
và/ hoặc kêu gọi, nhất là trong thơ Việt Nam, là thể loại của bài
thơ. Với một bài thơ chống đối thuần túy và không có mục đích kêu
gọi hay hô hào, loại thơ nào cũng thích hợp. Đó là vì trong trường
hợp này, khía cạnh chống đối coi như là diễn tả ý tưởng về một
tình trạng xã hội và do đó thể loại thơ nào cũng có thể được dùng
tùy vào ý thích của tác giả. Khi bài thơ vửa chống đối vừa kêu
gọi, thể loại thơ đóng vai trò quan trọng vì mỗi thể loại có tác
dụng kêu gọi khác nhau.
Để có thể tạo tác dụng mạnh trong việc
kêu gọi dân chúng, lời kêu gọi nên có những khía cạnh thích hợp. Ta
nên nhớ một bài thơ không phải là một bài diễn văn, và khán giả
thường không có nhiều thì giờ để nghiền ngẫm về ý nghĩa của câu
thơ. Lời kêu gọi cũng đánh vào tâm hồn khán giả, vì yếu tố tình
cảm khá quan trọng trong việc kích động ý chí con người. Ngoài ra,
thơ kêu gọi nên dễ đọc và dễ nhớ để có thể được truyền bá rộng
rãi trong dân chúng. Vì những lý do này, thể loại thơ thích hợp cho
kêu gọi là thơ có vần, vì vần điệu giúp lời thơ trôi chảy, dễ đọc
và dễ nhớ. Trong các thể loại thơ có vần Việt Nam, có lẽ thể bốn
câu liên kết hoặc song thất lục bát là thích hợp nhất cho thơ kêu
gọi, vì vần điệu chặt chẽ, có cả vần bằng và vần trắc, và câu thơ
có móc nối, giúp ý tưởng mạch lạc.
Những khái niệm căn bản về thơ, và tính
chất và mục đích của thơ chính trị giúp ta hiểu rõ hơn về bài thơ
"Kiếp Lưu Vong."
B. "Kiếp Lưu Vong" là tiếng khóc
bi hùng của một thanh niên yêu nước kêu gọi toàn dân Việt Nam lấy lại
khí phách oai hùng của dân tộc Việt để giành lại tự do.
"Kiếp Lưu Vong" là một bài thơ
chính trị, bao gồm cả chống đối và kêu gọi. Tuy nhiên, ý nghĩa chống
đối và/ hoặc kêu gọi được diễn tả kín đáo và tinh tế.
Tác giả viết bài thơ dùng ngôi thứ nhất
("tôi"). Trong một bài thơ, bài hát, hay một truyện, chữ
"tôi" không nhất thiết là chính tác giả, mà có thể là vai
chính trong câu chuyện, một thanh niên trẻ. Tuy nhiên, qua những gì ta
biết về Nguyễn Viết Dũng, ta hiểu bài thơ này là lời của chính
Nguyễn Viết Dũng. Do đó, tác giả, Nguyễn Viết Dũng, đang thổ lộ
chính tâm trạng của anh qua bài thơ.
Tác giả mở đầu bằng câu hỏi do một người
con gái đặt ra làm sao thoát được kiếp lưu vong. Anh không trả lời
được câu hỏi mà chỉ cười buồn. Cô gái rơi nước mắt và hỏi khi nào
dân tộc mới có được tự do ("Em hỏi tôi: Sao thoát kiếp lưu
vong?/ Tôi cười buồn, tôi đâu hơn gì thế/ Đôi mắt nàng buồn ướt hai
dòng lệ/ 'Đến bao giờ dân tộc được tự do?'"). Trong thơ,
"lấy được chú ý của người đọc trong vài hàng đầu quả là một
thử thách" (Goodman 2011, 63). Nhưng ở đây, tác giả vô ngay vào ý
chính và khiến người đọc tò mò, muốn đọc thêm ngay.
Ta không rõ mối liên hệ giữa cô gái và
tác giả, nhưng chuyện đó không cần thiết. Cô ta có thể là người yêu,
bạn học, em gái, hoặc bất cứ một cô gái nào có cùng nỗi ưu tư về
đất nước và dân tộc như tác giả. Một cách tinh tế, tác gỉả dường
như dùng cô gái là biểu tượng cho người mà tác giả muốn nói với. Do
đó, ta có thể hiểu Nguyễn Viết Dũng đang muốn gói ghém tâm sự anh
là những lời tâm huyết gửi đến những người trẻ như anh.
Tác giả dùng hai câu hỏi để giới thiệu
bài thơ. Câu hỏi không định nghĩa "kiếp lưu vong" hoặc
"tự do" mà được đặt dưới dạng như thể vấn đề không còn là
nghi vấn. Câu hỏi là làm sao thoát khỏi kiếp lưu vong và khi nào thì
có được tự do.
Tác giả lập lại câu hỏi khi nào dân tộc
được tự do, khi mà cộng sản vẫn còn cai trị đất nước. Lởi kêu gọi
toàn dân chỉ rơi vào quên lãng trong cuộc sống bận rộn, lo lắng sinh
sống trong việc kiếm ăn, lo nhà cửa, và tiền bạc ("Đến bao
giờ dân tộc được tự do?/ Khi cộng sản vẫn còn cai trị?/ Tiếng gọi
công dân rơi vào cơn mộng mị/ của vòng quay cơm-áo-gạo-tiền").
Bằng cách dùng từ ngữ "cai trị," Nguyễn Viết Dũng khẳng
định thực chất của cái gọi là "chính phủ" hoặc đảng cộng
sản Việt Nam: đó là một nhóm nắm quyền do bạo lực và không phải do
dân chúng ủy thác sứ mạng lo việc nước.
Tác giả dùng "tiếng gọi công dân"
với hàm ý lời kêu gọi toàn dân đứng lên. "Tiếng gọi công dân"
không phải chỉ là nhóm chữ về lời kêu gọi đến công dân. Một cách có
ý nghĩa, nó là nhan đề bài quốc ca VNCH trong miền Nam trước ngày
cộng sản hoàn thành việc xâm lăng và cướp đất nước VNCH năm 1975 (Xem,
thí dụ như, Cao-Đắc 2015b). Nguyễn Viết Dũng dường như đã tìm hiểu
nhiều về lịch sử Việt Nam và VNCH. Việc anh quen thuộc với bài quốc
ca VNCH không có gì lạ. Anh đã từng hát bài quốc ca này (Xem, thí dụ
như, Kỳ 2014) và treo cờ VNCH trên mái nhà anh tại Nghệ An. Do đó,
"tiếng gọi công dân" ở đây không phải chỉ là một nhóm
chữ tình cờ đặt ra, mà hầu như chắc chắn là tác giả muốn gói ghém
các ý tưởng của bài quốc ca VNCH trong câu thơ này.
Nhóm chữ "rơi vào cơn mộng mị của
vòng quay cơm-áo-gạo-tiền" ngụ ý lời kêu gọi toàn dân không
có hiệu lực và thường bị bỏ qua hoặc quên đi do cuộc sống kiếm ăn
và lo áo mặc và nhà ở. Chữ "vòng quay" cho thấy những bận
rộn này như thể không có chấm dứt và người dân cứ bị quay cuồng
trong cuộc sống nên trở nên trơ trơ trước tiếng kêu gọi.
Anh hỏi cô gái nhìn anh có khác gì kẻ
điên, sống kiếp lưu vong ngay trên quê cha đất mẹ. Cuộc đời vẫn trôi đi
và anh vẫn cúi đầu bẽ bàng cho thân phận, tự hỏi phải chăng khí
phách dân đã tiêu tan ("Em nhìn tôi xem: khác gì kẻ điên?/ Sống
kiếp lưu vong ngay trên đất mẹ/ Dòng đời vẫn trôi: Tôi cúi đầu bàng
bẽ/ Dân khí cạn rồi?"). Tới đây khán giả mới chợt hiểu ý
nghĩa của "kiếp lưu vong" ở câu đầu, và tại sao anh muốn
thoát kiếp lưu vong. Không, anh không phải là một người tha hương, lưu
vong nơi xứ lạ quê người. Anh sống kiếp lưu vong ngay trên xứ sở của
anh, nơi quê cha đất mẹ, nơi anh sinh trưởng. Thật là một hình ảnh bi
thương khi một người không có cảm tưởng thuộc về quê hương mình khi anh
đang sống trên quê hương. Chỉ với câu "Sống kiếp lưu vong ngay
trên đất mẹ," Nguyễn Viết Dũng nói lên nỗi tái tê của người
dân tại Việt Nam. Đất nước yêu dấu đã trở nên xa lạ, như một xứ nước
ngoài. Còn gì chua xót hơn? Với câu "Dân khí cạn rồi?"
Nguyễn Viết Dũng nhắc đến khí phách của dân tộc Việt qua hàng ngàn
năm lịch sử, và tự hỏi phải chăng khí phách kiêu hùng của dân tộc
Việt đã suy đồi tiêu tan.
Khí phách ấy mở đầu với Hai Bà Trưng qua
tiếng trống Mê Linh nổi lên đánh đuổi Tô Định và quân Đông Hán, và
tiếp tục với biết bao công trình của cha ông bảo vệ đất nước và mở
mang bờ cõi qua các đời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần rồi đến nhà Hậu Lê
và các đời chúa Nguyễn với công trình Nam tiến, Quang Trung, Gia Long.
Với lịch sử kiêu hùng, lẽ nào chúng ta sống cuộc đời hèn yếu, cúi
đầu chịu lũ cộng nô đày đọa? ("Còn nhớ chăng tiếng trống Mê
Linh?/ Và xương máu tiền nhân khai hoang mở nước?/ Lẽ nào ta mãi sống
đời bạc nhược?/ Để cộng nô kia mãi mãi đọa đày?"). Phù hợp
với tư tưởng của Czesław Miłosz, Nguyễn Viết Dũng gói ghém lịch sử
với ngôn ngữ vì "ta không thể tách rời học sử và học ngôn
ngữ" trong thi ca (Lazer 2003). Bài thơ không chính yếu nói về lịch
sử, nhưng Nguyễn Viết Dũng nhắc đến lịch sử như một "mức độ ý
thức" do Miłosz đưa ra. Cái "mức độ ý thức" đó thật là
sâu sắc vì nó làm nổi bật nỗi bi thương của tác giả trong kiếp lưu
vong trên một đất nước đã từng có lịch sử kiêu hùng. Chính nét kiêu
hùng đó khiến Nguyễ́n Viết Dũng cảm thấy xa lạ với đất nước hiện
nay, vì nhóm cầm quyền đã và đang hủy diệt khí phách kiêu hùng cố
hữu của dân tộc Việt suốt mấy ngàn năm. Anh đã trở thành kẻ lưu vong
trên chính quê hương anh vì anh không còn nhận ra quê hương xứ sở của
anh nữa. Với từ ngữ "cộng nô," tác giả khẳng định
nhóm cầm quyền cộng sản chỉ là nô lệ cho quan thầy Tàu cộng như đã
được biết rõ qua cách hành xử hèn nhát của chúng đối với Tàu cộng
và những áp bức tàn ác trên dân chúng và những người đấu tranh cho
tự do dân chủ.
Tiếp tục với lối dùng câu hỏi tu từ,
trong đoạn chót Nguyễn Viết Dũng muốn biết bao giờ lá cờ vàng tung
bay, cho thấy tổ quốc trở về trên đất nước thân yêu để anh thoát kiếp
lưu vong, và có được tự do. Anh không thể nào trả lời được câu hỏi
đó, và kêu gọi toàn dân hãy trả lời giùm anh ("Đến bao giờ
Hoàng Kỳ tung bay?/Thoát kiếp lưu vong, tự do mang về tới?/ Câu hỏi này
sao tôi đáp nổi?/ Đồng bào ơi: Cùng đáp thay tôi"). Đoạn này
có vài điểm quan trọng cần thảo luận kỹ.
Trước hết, tác giả nhắc đến lá cờ vàng
("hoàng kỳ"). Đối với người cộng sản, lá cờ vàng đem
cho họ nỗi khiếp sợ kinh hồn vì nó đem lại hình ảnh chính thể VNCH,
và họ cố gắng dẹp bỏ hình ảnh lá cờ vàng trong nước và tại cộng
đồng người Việt hải ngoại. Thật là kỳ lạ, mang tiếng là kẻ
"thắng cuộc," tại sao cộng sản lại khiếp sợ lá cờ vàng
của VNCH đến độ như vậy? Ta thừa hiểu đó là vì người cộng sản biết
là họ thực sự không thắng VNCH trong cuộc chiến. Họ chỉ nhờ may mắn
và dựa vào yểm trợ của Nga Tàu để xâm lăng và cướp được miền Nam
Việt Nam. Ngoài ra cộng sản biết họ chỉ là lũ cướp chính quyền, và
lá cờ vàng, hiện hữu trước lá cờ đỏ cộng sản, tiêu biểu chính
nghĩa quốc gia. Những kẻ cầm quyền cộng sản, do đó, rất khiếp đảm
khi thấy lá cờ vàng như ác quỷ thấy dấu hiệu thánh giá hoặc Phật.
Nhưng Nguyến Viết Dũng có thực sự nhắc
đến lá cờ vàng của VNCH trong bài thơ "Kiếp Lưu Vong" hay
không? Nguyễn Viết Dũng đã từng treo lá cờ vàng của VNCH trên nhà anh
ở Nghệ An. Anh còn mặc quân phục có phù hiệu phản ảnh VNCH. Tuy
nhiên, "hoàng kỳ" trong câu "Đến bao giờ Hoàng Kỳ tung
bay?" không nhất thiết là lá cờ vàng của VNCH vì lý do sau.
Trong câu trước, tác gỉả nhắc đến "Còn nhớ chăng tiếng trống
Mê Linh?" Có nhiều giai thoại lịch sử cho biết Hai Bà Trưng
dùng lá cờ vàng như là quốc hiệu trong khoảng thời gian ba năm ngắn
ngủi họ cai trị Việt Nam thời ấy. Ngoài ra, lá cờ vàng ba sọc đỏ
hoặc các dạng biến thể đã hiện diện và được dùng từ các triều
đại nhà Nguyễn, rõ ràng nhất là thời vua Bảo Đại, trước khi lá cờ
đỏ của cộng sản dựng lên trong cuộc cướp đoạt chính quyền của Quốc
Gia Việt Nam vào năm 1945.
Qua việc nhắc đến Hai Bà Trưng, dường như
tác giả muốn liên kết cờ vàng với tổ quốc Việt Nam từ thời xa xưa.
Đương nhiên, vì VNCH là chính thể của Quốc Gia Việt Nam, "hoàng
kỳ" cũng hàm ý lá cờ vàng của VNCH. Nhưng quan trọng hơn,
"hoàng kỳ" là lá cờ của chính nghĩa, và chính thống là
của tổ quốc Việt Nam. Chính vì vậy mà chỉ khi lá cờ vàng tung bay
trên đất nước, tổ quốc mới trở lại trên đất nước Việt Nam, và người
lưu vong mới thoát được kiếp lưu vong để thuộc về quê cha đất mẹ, và
không còn cảm thấy lạc lõng nữa.
Thứ nhì, tác giả có thực sự không biết
câu trả lời cho câu hỏi anh đặt ra hay không? Câu "Câu hỏi này
sao tôi đáp nổi?" chỉ cho biết làm sao mà anh trả lởi được,
nhưng ta không biết lý do tại sao anh không trả lời được. Ta nhận thấy
mọi câu hỏi trong bài thơ đều là những câu hỏi tu từ, và người hỏi
đều có câu trả lời, nhưng anh vẫn hỏi để đặt vấn đề, vả dùng các
câu hỏi để hàm ý cho ý nghĩa khác. Một cách tinh tế, tác giả muốn
đồng bào anh trả lời gìùm anh. Trả lời tức là hành động. Tác giả
khéo léo đẩy trách nhiệm trả lời tới toàn dân, như gián tiếp kêu
gọi toàn dân hãy ra tay hành động. Câu "Đồng bào ơi: Cùng đáp
thay tôi" ngụ ý toàn dân hãy đoàn kết ("cùng") và hành
động để vất bỏ chế độ cộng sản và đem lại tự do cho toàn dân. Câu
này liên kết với nhóm chữ "Tiếng gọi công dân" trong
đoạn trước như cho lóe lên một niềm hy vọng là toàn dân sẽ "đồng
lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống" (Cao-Đắc 2015b) trong
cuộc đấu tranh cho tự do.
Tóm lại, Nguyễn Viết Dũng viết bài thơ
"Kiếp Lưu Vong" với một kỹ thuật tuyệt vời. Ý nghĩa của
các câu thơ thật đơn sơ, không có gì cầu kỳ, không có gì khó hiểu,
nhưng ta nghe được tiếng khóc văng vẳng của những người trẻ với lòng
yêu nước tràn trề̉. Tiếng khóc ấy không phải là tiếng khóc của
người nhu nhược yếm thế, mà là tiếng khóc thương xót cho tổ quốc
thương yêu đã bị lũ quỷ đỏ dày xéo cướp bóc và tiêu hủy. Tiếng
khóc ấy là dấu hiệu của lòng can đảm và ý chí cương quyết sẽ bùng
dậy.
Ý nghĩa chống đối và kêu gọi trong bài
thơ "Kiếp Lưu Vong" rất tinh tế. Sự chống đối được diễn tả
qua những câu xác định về mất tự do vì sự cai trị của cộng sản, sự
thờ ơ của dân chúng vì cuộc sống quay vòng, và sự thoái hóa của
khí phách dân tộc, và hèn nhát chấp nhận bị cộng nô đày đọa. Ngoài
việc bày tỏ chống đối, "Kiếp Lưu Vong" còn là lời kêu gọi
toàn dân đoàn kết để giành lại tự do đã bị cộng sản cướp đi.
C. Với thể loại thơ bốn câu liên kết
thích hợp cho mục tiêu chống đối và kêu gọi, "Kiếp Lưu Vong"
diễn tả ý tưởng thật hữu hiệu với cách dùng các kỹ thuật mỹ từ
như câu hỏi tu từ và ẩn dụ.
Như trình bày ở trên, bài thơ "Kiếp
Lưu Vong" là một bài thơ vửa chống đối vửa kêu gọi. Do đó, thể
thơ bốn câu liên kết rất thích hợp cho mục tiêu này. Thể bốn câu liên
kết khá thông dụng cho nội dung kể lể hoặc lời kêu gọi (thí dụ như
bài hịch). Sự liên kết hoặc móc nối một đoạn sang đoạn kế tiếp
được thực hiện qua vần cuối câu, tạo nên sự trôi chảy theo thứ tự.
Một bài thơ theo thể này có nhiều đoạn. Mố̃i đoạn có bốn câu. Mỗi
câu có khoảng tám chữ (words) tương đương với tám âm tiết (vì tiếng Việt
là tiếng đơn âm). Có câu dùng bảy hoặc chín chữ để thay đổi âm
hưởng. Trong mỗi đoạn, vần luôn luôn gieo cuối câu. Câu đầu hay thứ
nhất vần với câu chót của đoạn trước. Câu thứ nhì vần với câu thứ
ba. Câu chót vần với câu đầu của đoạn kế tiếp.
Bài thơ "Kiếp Lưu Vong" gồm có năm
đoạn, mỗi đoạn có bốn câu. Mỗi câu có khoảng tám chữ. Có câu có
bảy hoặc chín chữ để thay đổi âm hưởng. Đặc biệt, câu "Dân
khí cạn rồi?" chỉ có bốn chữ, có tác dụng nhấn mạnh.
Bố cục bài thơ khá chặt chẽ với lối
nhập đề trực tiếp gây chú ý ngay trong câu đầu. Ý chính của bài thơ
về ý nghĩa của kiếp lưu vong nằm ở đoạn 3. Đoạn 4 gợi ý cho giải
đáp vấn đề. Đoạn chót đưa ra giải đáp.
1. Bài thơ có vần điệu chặt chẽ với nhịp
điệu thay đổi tạo nên nét linh động và gây cảm xúc:
Như được trình bày ở trên, bài thơ viết
theo thể loại vần liên kết. Trong mỗi đoạn bốn câu, vần được gieo ở
hai câu giữa và ở cuối câu. Vần còn được gieo từ đoạn này qua đoạn
khác qua móc nối câu chót của một đoạn với câu đầu đoạn kế. Thí
dụ, trong đoạn 1, hai câu giữa có vần "thế" và
"lệ." Câu chót của đoạn 1 vần với câu đầu của đoạn 2
("do" với "do"). Tiếp tục là các vần trong đoạn và
giữa hai đoạn như sau: "trị" với "mị,"
"tiền" với "điên," "mẹ" với "bẽ,"
"nước" với "nhược," "đày" với
"bay," và "tới" với "nổi." Để ý là vần
trong đoạn theo vần trắc và vần nối hai đoạn theo vần bằng. Vần trắc
thường tạo tác dụng mạnh mẽ. Do đó dùng vần trắc trong đoạn gây tác
dụng mạnh trên khán gỉả. Vần bằng cho móc nối các đoạn tạo âm điệu
nhẹ nhàng, thích hợp cho sự trôi chẩy của cả bài. Đặc biệt, không
có vần nối đoạn 3 và đoạn 4 vì tác giả muốn dùng biến thể để tạo
nét thay đổi và nhấn mạnh ý tưởng của ý chuyển tiếp giữa "dân
khí" và "tiếng trống Mê Linh."
Vần là chỗ nhấn mạnh ý tưởng. "Một
chữ có vần được nổi bật lên - bạn có thể dùng vần để nhấn mạnh
những chữ quan trọng. Và vì vần chính yếu lả tiếng vang, nó cho cảm
giác kết thúc" (Addonizio và Laux 1997, 145). Ngoài việc vần được
gieo rất chỉnh, tác giả chọn vần cho từ ngữ quan trọng cho ý của
câu. Thí dụ, "trị" trong "cai trị" nhấn
mạnh tính chất đô hộ của cộng sản, "mị" trong "mộng
mị" nhấn mạnh sự mê man của người Việt, "đày"
trong "đọa đày" nhấn mạnh tính chất tàn bạo của cộng
nô, "bay" trong "tung bay" vẽ ra hình ảnh
tự do và giải thoát.
Tuy bài thơ "Kiếp Lưu Vong" viết
theo thể loại có vần với quy luật chặt chẽ, tác giả không dùng số
chữ (words) cố định ở tám chữ mỗi câu, mà thay đổi vài câu có 7 chữ
hoặc 9 chữ. Đặc biệt, câu "Dân khí cạn rồi?" chỉ có
bốn chữ. Cách dùng biến thể này giúp tạo nên nhịp điệu linh động
và gây cảm xúc cho bài thơ. Câu "Dân khí cạn rồi?" tạo
ra một quãng nghỉ, giúp cho người đọc/ nghe có dịp ̣để ý tưởng thấm
dần, và để chuẩn bị cho câu kế tiếp. Để ý là ca khúc của nhạc sĩ
Dzuy Lynh tạo cùng tác dụng bằng cách nhắc lại toàn câu "Dân
khí cạn rồi?" như một tiếng vang dội lại.
2. Bài thơ dùng các câu hỏi tu từ rất
hiệu quả và có những ẩn dụ nội dung độc đáo, và nên được truyền
bá rộng rãi:
Một trong những khía cạnh của thi ca và
văn xuôi là cách dùng mỹ từ. Bài thơ "Kiếp Lưu Vong" có hai
kỹ thuật mỹ từ nổi bật: câu hỏi tu từ và ẩn dụ.
a) Các câu hỏi tu từ đem lại tác dụng gia
tăng mức độ hiểu biết của người đọc về thông điệp trong bài thơ:
Tất cả những câu hỏi trong bài thơ đều là
câu hỏi tu từ. Vài thí dụ của các câu hỏi tu từ trong bài như sau:
Sao thoát kiếp lưu vong?
Đến bao giờ dân tộc được tự do?
Còn nhớ chăng tiếng trống Mê Linh?
Đến bao giờ Hoàng Kỳ tung bay?
Tác giả dùng câu hỏi tu từ để lôi cuốn
khán giả, khiến khán giả phải tham gia vào sự suy nghĩ, và do đó gây
tác dụng mạnh trên khán giả. Quan trọng hơn, "câu hỏi tu từ có
thể là một khí cụ mạnh mẽ cho việc thuyết phục hoặc kích động suy
nghĩ" (Licciardi). Có nhiều nghiên cứu tâm lý học cho thấy câu hỏi
tu từ giúp gia tăng sự thuyết phục trong một thông điệp, nhất là với
những người thờ ơ hoặc ít có động cơ dính líu về vấn đề nêu ra
trong thông điệp đó. "Dưới những điều kiện ít dính líu, khi đối
tượng không có được động cơ thúc đẩy một cách tự nhiên để tiến hành
thông điệp kỹ lưỡng, các câu hỏi tu từ làm gia tăng ý tưởng về thông
điệp" (Petty, Cacioppo, và Heesacker 1981, 438). Ngược lại, với
những người đã có động cơ mạnh thúc đẩy trong việc dính líu với
thông điệp, các câu hỏi tu từ khiến họ bị chia trí ra khỏi sự suy
nghĩ bình thường (sđd.).
Bài thơ "Kiếp Lưu Vong" có một
tác dụng rất hữu hiệu trên giới trẻ qua cách dùng kỹ thuật câu hỏi
tu từ vì lý do sau đây. Đa số thanh thiếu niên nam nữ Việt Nam, dưới
nền giáo dục tẩy não và nhổi sọ, không biết rõ sự thật về đảng
cộng sản Việt Nam, lịch sử, chiến tranh Việt Nam, và chính thể VNCH.
Ngoài ra, cuộc sống xã hội chật vật, nền kinh tế suy đồi và tệ
trạng xã hội, tham nhũng, ngày càng gia tăng. Do đó, tuổi trẻ Việt Nam
thường ít khi để ý đến các vấn đề "chính trị," và thường
sợ hãi hoặc bỏ qua các vấn đề này. Đa số chỉ sống qua ngày, nghe
theo lời "khuyên dạy" của nhà cầm quyền hoặc những người
được coi là trí thức giáo dục nhưng chỉ là công cụ của chính quyền.
Giới học sinh sinh viên thường được khuyên răn là lo chuyện học hành
và đừng nghĩ đến "chính trị," hoặc sự tồn vong của tổ
quốc. Đa số giới trẻ đi theo trào lưu xã hội qua những tin tức hoạt
động văn nghệ, thể thao, giải trí, hoặc kinh tế. Phụ huynh đồng lõa
với nhà cầ̀m quyền một cách vô ý thức vì lo sợ tương lai và an ninh
cho con em, nên thường cản trở con em tham dự những hoạt động có tính
cách "chính trị." Hậu quả là thanh thiếu niên Việt Nam hầu
như thờ ơ đến tình trạng đất nước, hoặc dính líu rất í́t đến các
hoạt động đấu tranh, cải thiện xã hội.
Theo các nghiên cứu khoa học kể trên, vì đa
số giới trẻ ít để ý đến các vấn đề "chính trị" đưa ra
trong bài thơ hay thông điệp, các câu hỏi tu từ gia tăng khả năng thuyết
phục trong thông điệp tác giả Nguyến Viết Dũng muốn gửi. Tuy nhiên,
sẽ có người phản đối, "Nhưng nếu giới trẻ không để ý đến các
sự kiện trong thông điệp, họ sẽ không bỏ thì giờ để đọc bài
thơ." Lý luận đó hoàn toàn hợp lý. Để bài thơ có tác dụng trên
giới trẻ, ta phải quảng bá, truyền đạt bài thơ một cách rộng rãi.
Với các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay qua Facebook,
Twitter, blogs, và các tổ chức xã hội dân chủ, việc truyền bá thông
điệp của Nguyễn Viết Dũng trong bài thơ "Kiếp Lưu Vong" là
một việc dễ dàng.
b) Các ẩn dụ đem lại nét đẹp cho cách
diễn tả và gây tác dụng khó quên cho người nghe:
Ẩn dụ là một hình thức so sánh ngầm. Có
hai cách dùng ẩn dụ: hình thức và nội dung. Ẩn dụ hình thức là sự
so sánh ngầm được biểu lộ ngay ở chữ dùng. Thí dụ: suối tóc, bờ
vai, gió gào. Ẩn dụ nội dung là sự so sánh nằm trong ý nghĩa. Bài
thơ "Kiếp Lưu Vong" có nhiều ẩn dụ nội dung độc đáo. Những
ẩn dụ này giúp bao hàm tính chất chống đối và kêu gọi của bài thơ,
và khiến bài thơ không có những lời lẽ bộc lộ rõ ràng.
Ẩn dụ quan trọng nhất trong "Kiếp Lưu
Vong" là sự ví von quê hương mình là một xứ sở xa lạ. Cái ví
von này có nhiều diễn giải. Thứ nhất, quê hương tác giả không thay
đổi nhưng tác giả thay đổi và cảm thấy lạc lõng. Thí dụ tác giả
có thể sinh sống ở hải ngoại một thời gian là kẻ lưu vong, nhưng khi
trở lại quê hương thì không thích hợp với cuộc sống vì anh đã thay
đổi và do đó lại sống cuộc sống lưu vong ngay tại quê hương mình. Ta
thấy ngay đó không phải là diễn giải của "Kiếp Lưu Vong" vì
Nguyễn Viết Dũng sống tại Việt Nam trong suốt quãng đời anh cho tới
nay. Thứ nhì, tác giả sinh trưởng nơi đất mẹ và không rời xa quê
hương, nhưng quê hương anh thay đổi. Anh không còn tìm thấy những đặc
tính của quê hương dân tộc mà anh biết như tự do và khí phách oai
hùng. Do đó, anh cảm thấy anh là kẻ xa lạ với chính quê hương anh. Đó
chính là diễn giải thích đáng của bài thơ.
Ẩn dụ thứ hai là sự ví von lá cờ vàng
tượng trưng cho tự do. Điều này chỉ có thể xảy ra khi lá cờ đỏ của
cộng sản bị tiêu hủy, ngụ ý chế độ cộng sản chấm dứt. Mối liên hệ
giữa "Hoàng Kỳ tung bay" và "Thoát kiếp lưu vong"
tuy có vẻ xa xôi, nhưng thực ra rất chặt chẽ. Lá cờ vàng, ngoài việc
tượng trưng cho chính nghĩa của tổ quốc, còn tượng trưng nước VNCH,
đang bị cộng sản chiếm đóng. Lá cờ vàng tung bay không những biểu
hiện nước VNCH đã vùng dậy lật đổ nhóm đô hộ cộng sản, mà còn
biểu hiện tự do trở về trên quê hương vì chính thể VNCH là một chính
thể tự do dân chủ.
Ẩn dụ thứ ba là mối liên hệ giữa chính
nghĩa tổ quốc và lá cờ vàng qua câu nhắc nhở đến "tiếng
trống Mê Linh." Như trình bày ở trên, có các giai thoại lịch
sử cho biết lá cờ vàng đã được dùng từ thởi Hai bà Trưng. Do đó,
"tiếng trống Mê Linh" không chỉ nhắc đến khí phách oai
hùng của dân tộc Việt mà còn nhắc đến tính chất tổ quốc của lá
cờ vàng.
Ẩn dụ thứ tư là sự ví von đồng bào trả
lời câu hỏi giùm tác gỉả với việc toàn dân đoàn kết để lật đổ
chế độ cộng sản. Tác giả khéo léo đẩy trách nhiệm trả lời câu hỏi
đến đồng bào anh, vì làm sao anh biết được ý chí của toàn dân thế
nào. Nhưng trả lời tức là hành động. Do đó, đẩy trách nhiệm trả
lời câu hỏi đến đồng bào là ẩn dụ cho lời kêu gọi đồng bào đoàn
kết để đứng lên giành lại tự do.
Các ẩn dụ này được dùng một cách khéo
léo và có liên kết với nhau chặt chẽ. Cộng với các câu hỏi tu từ,
các ẩn dụ này gia tăng chiều sâu của mức độ ý thức về tình trạng
đất nước và sự cần thiết cho một cuộc nổi dậy của toàn dân.
"Kiếp Lưu Vong," do đó, có một giá trị thật cao dưới tiêu
chuẩn của Czesław Miłosz đề cập ở trên.
D. Kết Luận:
Nguyễn Viết Dũng viết bài thơ "Kiếp
Lưu Vong" như lời một chứng nhân sống trong xã hội của chế độ
cộng sản Việt Nam. Nguyễn Viết Dũng không những là một thanh niên yêu
nước và có nhiệt huyết với tổ quốc mà còn là một người thông minh
tài giỏi, có tài năng khác thường. Bài thơ "Kiếp Lưu Vong"
là một bài thơ tuyệt diệu, nói lên nỗi xót xa của tuổi trẻ trước
cảnh đất nước suy tàn và hiểm họa rơi vào tay Tàu cộng và kêu gọi
toàn dân thức tỉnh qua lời nhắc nhở lịch sử oai hùng để nổi lên
giành lại chính nghĩa quốc gia và tự do.
Qua thể thơ bốn câu vần liên kết, bài thơ
"Kiếp Lưu Vong" có tác dụng hữu hiệu là bài thơ chống đối
và kêu gọi. Ý nghĩa chống đối và kêu gọi được diễn tả một cách
kín đáo và tinh tế qua cách dùng kỹ thuật câu hỏi tu từ và ẩn dụ.
Bài thơ cần được truyền bá rộng rãi trong giới thanh thiếu niên nam
nữ tại Việt Nam.
Điểm đặc sắc nhất của "Kiếp Lưu
Vong" là lòng can đảm của Nguyễn Viết Dũng khi anh ca ngợi lá cờ
vàng ngay trên đất kiểm soát bởi cộng sản. Anh không những chỉ ghi
nhận qua bài thơ mà còn thể hiện qua hành động treo lá cờ vàng trên
nóc nhà, và mặc trang phục theo QLVNCH. Lòng can đảm đó là tính chất
uy dũng của dân tộc Việt, và tinh thần bất khuất của biết bao nhiêu
hào kiệt trong lịch sử. Giới trẻ tại Việt Nam nên noi gương Nguyễn
Viết Dũng và những thanh niên nam nữ đang đấu tranh cho tự do dân
chủ.
Hãy chấm dứt cuộc sống tạm bợ như những
kẻ lưu vong ngay trên đất mẹ.
CẢM TẠ
Tôi xin có lời cám ơn bạn mythanh
trên trang mạng Dân Làm Báo đã yêu cầu đề tài, trao đổi ý kiến,
khích lệ, và hướng dẫn tôi trong lúc viết bài này.
28/8/2015
© 2015 Cao-Đắc Tuấn
______________________________________
Tài Liệu Tham Khảo:
1. Addonizio, Kim và Laux, Dorianne. 1997. The Poet's
Companion. A Guide to the Pleasures of Writing Poetry. W. W. Norton &
Company, New York, New York, U.S.A.
2. Bloc 8406. 2015. Kiến nghị thư yêu cầu trả tự do cho
Nguyễn Viết Dũng (Dũng Phi Hổ). 23-4-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/04/kien-nghi-thu-yeu-cau-tra-tu-do-cho.html
(truy cập 27-8-2015).
3. Cao-Đắc, Tuấn. 2014. Lửa Cháy Trong Mưa. Hellgate
Press, Oregon, U.S.A.
4. _________. 2015a. Nước, Quốc Gia, Dân Tộc, và Việt Nam
Cộng Hòa. 21-7-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/07/nuoc-quoc-gia-dan-toc-va-viet-nam-cong.html
(truy cập 23-8-2015). Country, State, Nation, and the Republic of Vietnam.
21-7-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/07/country-state-nation-and-republic-of.html
(truy cập 23-8-2015).
4. _________. 2015b. "Tiếng Gọi Công Dân".
15-5-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/05/tieng-goi-cong-dan.html
(truy cập 19-8-2015).
5. Coleman, John. 2012. The Benefits of Poetry for
Professionals. 27-11-2012. https://hbr.org/2012/11/the-benefits-of-poetry-for-pro (truy
cập 25-8-2015).
6. CTV Danlambao. 2015a. Hà Nội: CA bắt khẩn cấp nhiều thanh
niên mặc áo in phù hiệu Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. 15-4-2015. 432 Comments (truy cập 27-8-2015).
7. _________. 2015b. CSVN vu khống Nguyễn Viết Dũng 'gây rối
trật tự'. 21-4-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/04/csvn-vu-khong-nguyen-viet-dung-gay-roi.html
(truy cập 27-8-2015).
8. _________. 2015c. CA khởi tố hình sự, khám xét nhà anh
Nguyễn Viết Dũng. 28-4-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/04/ca-khoi-to-hinh-su-kham-xet-nha-anh.html
(truy cập 27-8-2015).
9. _________. 2015d. Nguyễn Viết Dũng bị CA đánh đập trong lúc
giam giữ. 16-6-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/06/nguyen-viet-dung-bi-ca-anh-ap-trong-luc.html
(truy cập 27-8-2015).
10. Goodman, John C. 2011. Poetry: Tools & Techniques. A
Practical Guide to Writing Engaging Poetry. Gneiss Press, British Columbia,
Canada.
11. Heaney, Seamus. 2011. Seamus Heaney on Czesław Miłosz's
centenary. 7-4-2011. http://www.theguardian.com/books/2011/apr/07/seamus-heaney-czeslaw-milosz-centenary
(truy cập 15-8-2015).
12. Kenseth, Arnold. 1968. Poems of Protest Old and New - A
Selection of Poetry. The Macmillan Company, New York, U.S.A.
13. Kỳ Châu. 2014. Chính nghĩa Quốc Gia - Quốc Ca VNCH - NVD.
22-10-2014. https://www.youtube.com/watch?v=mGXTJewljzs
(truy cập 19-8-2015).
14. Lazer, Hank. 2003. Poetry and Thought: the Example of
Czeslaw Milosz. Summer 1988, Volume 64. 12-12-2003. http://www.vqronline.org/essay/poetry-and-thought-example-czeslaw-milosz
(truy cập 15-8-2015).
15. Licciardi, Bryanna. Không rõ ngày. Rhetorical Question in
Literature: Definition, Effect & Examples. Không rõ ngày. http://study.com/academy/lesson/rhetorical-question-in-literature-definition-effect-examples.html
(truy cập 23-8-2015).
16. Matus, Douglas. Không rõ ngày. The Benefits From Reading
Poems. Không rõ ngày. http://classroom.synonym.com/benefits-reading-poems-3849.html
(truy cập 25-8-2015).
17. Minh Văn. 2015. Thăm nhà Nguyễn Viết Dũng, người treo cờ
VNCH ở Nghệ An. 21-8-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/08/tham-nha-nguyen-viet-dung-nguoi-treo-co.html
(truy cập 27-8-2015).
18. MLBVN. 2015. Tuyên bố của Mạng Lưới Blogger Việt Nam
(MLBVN) về việc công an bắt giữ tùy tiện anh Nguyễn Viết Dũng. 23-4-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/04/tuyen-bo-cua-mang-luoi-blogger-viet-nam.html
(truy cập 27-8-2015).
19. Mộc Lan. 2015. Dũng Phi Hổ Là Ai? 22-4-2015. http://www.thegioimoionline.com/?p=3901
(truy cập 23-8-2015).
20. MrBinhBet. 2015. KIẾP LƯU VONG. 24-4-2015. https://www.youtube.com/watch?v=U8RtcsCueDU
(truy cập 19-8-2015).
21. Nair, P. G. R. 2011. Celebrating the Centennial of Czeslaw
Milosz (1911-2011). 20-8-2011. http://www.boloji.com/index.cfm?md=Content&sd=PoemArticle&PoemArticleID=83
(truy cập 15-8-2015).
22. Petty, Richard E., Cacioppo, John T., và Heesacker, Martin.
1981. Effects of Rhetoriocal Questions on Persuasion: A Cognitive Response
Analysis. Journal of Personality and Social Psychology, Vol. 40, No. 3,
432-440. http://www.psy.ohio-state.edu/petty/PDF%20Files/1981-JPSP-Petty,Cacioppo,Heesacker.pdf
(truy cập 23-8-2015).
23. Pongo Teen Writing. Không rõ ngày. Benefits of Writing
Poetry. Không rõ ngày. http://www.pongoteenwriting.org/Benefits-of-Writing-Poetry.html
(truy cập 25-8-2015).
24. SparkNotes Editors. 2005. SparkNote on Aristotle (384–322
B.C.). SparkNotes LLC. 2005. http://www.sparknotes.com/philosophy/aristotle/ (truy cập
14-8-2015).
25. Wikipedia. 2015a. Poetry. 13-8-2015. https://en.wikipedia.org/wiki/Poetry
(truy cập 13-8-2015).
26. _________. 2015b. Thơ. 11-6-2015. https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C6%A1
(truy cập 11-8-2015).
27. _________. 2015c. Percy Bysshe Shelley. 11-8-2015. https://en.wikipedia.org/wiki/Percy_Bysshe_Shelley (truy cập
13-8-2015).
28. _________. 2015d. Prose poetry. 16-8-2015. https://en.wikipedia.org/wiki/Prose_poetry
(truy cập 19-8-2015).
29. _________. 2015e. Đường lên đỉnh Olympia. 26-8-2015. https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C6%B0%E1%BB%9Dng_l%C3%AAn_%C4%91%E1%BB%89nh_Olympia
(truy cập 27-8-2015).
© 2015 Cao-Đắc
Tuấn
__._,_.___
Posted
by: truc nguyen <
No comments:
Post a Comment