Đại sứ Nhật gặp gia
đình ‘Người Việt Nam Mới’
Hoàng Thị Thanh Hoài Gửi tới BBC từ Hà Nội
- 29
tháng 12 2016
Chiến tranh đã lùi xa cách đây hơn 70 năm nhưng nỗi đau và sự khắc
khoải của các gia đình là vợ con của những binh sỹ Nhật (hay “Người Việt Nam
Mới” mà Chính phủ Việt Nam đã đặt tên cho binh lính Nhật lưu vong tham gia lực
lượng Việt Minh chống Pháp) trong Thế chiến Hai vẫn còn đấy.
Tôi là thế hệ thứ ba trong một gia đình “Người Việt Nam Mới”, sinh
ra khi đất nước không còn chiến tranh nhưng tôi được biết đến câu chuyện về
chiến tranh qua lời kể của ông bà và bố mẹ.
Thế hệ của ông nội tôi, một binh sỹ Nhật, hầu hết đã đi về với cát
bụi và để lại Việt Nam gia đình máu mủ là vợ và con cháu họ.
Trong quãng thời gian vài chục năm, thế hệ thứ hai là con của
những “Người Việt Nam Mới” đã bị xã hội ở Việt Nam kỳ thị vì là con của
"Phát xít Nhật" và vì họ là "con lai".
Chiến thắng thực dân Pháp cũng có phần góp sức của những binh sỹ
Nhật như ông nội của tôi sau khi thua trận đã tham gia vào Quân đội Việt Nam
(Việt Minh) vì họ đã giúp cho quân đội Việt Nam sử dụng các loại vũ khí và bắn
súng thành thạo...
‘Cửa đã mở’
Đó là chuyện của quá khứ, giờ đây quan hệ của hai nước Nhật Bản và
Việt Nam đang phát triển rất tốt về văn hóa, kinh tế và chính trị.
Vào ngày 27/12/2016 lần đầu tiên chúng tôi được tân Đại sứ Đặc
mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, Ngài Umeda Kunio, mời đến gặp mặt.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử có việc một đại sứ của Chính phủ
Nhật gặp mặt vợ con các gia đình “Người Việt Nam Mới”.
Tôi đã rất vui và bất ngờ khi nhận được tin báo đó. Là người đã
tiếp xúc với rất nhiều các chính khách Nhật nhưng lần gặp gỡ này tôi cảm thấy
vô cùng ấm áp và xúc động.
Trước hôm gặp một ngày tôi đã liên lạc lại với các gia đình vợ con
binh sỹ Nhật để hẹn mọi người đến đúng giờ. Sáng hôm sau chúng tôi đã có mặt
tại trước cửa nhà riêng Đại sứ Umeda.
Các bà vợ đã ngoài 90 tuổi, người thì ngồi xe lăn, người thì đau
cột sống không đi bộ được cũng háo hức cùng hơn 10 gia đình ở Hà Nội và từ Hải Phòng
bước vào nhà riêng Ngài Đại sứ.
Cánh cửa đã được mở (theo đúng cả nghĩa bóng), chúng tôi bước vào
đã thấy Đại sứ Umeda và phu nhân, Phó Đại sứ cùng một vài thành viên tòa đại sứ
ra tận sảnh ngoài đón chúng tôi.
Tất cả mọi người vào phòng khách, nơi mà trà và bánh đã được chuẩn
bị rất trang trọng. Đại sứ Umeda đứng lên và bắt đầu phát biểu.
Tôi nhìn thấy sự cảm thông, sự cảm động của ông với sự hiện diện
của chúng tôi.
Tôi chăm chú nghe cả bài phát biểu của Đại sứ Umeda và ấn tượng
với vẻ hiền hậu và câu nói của ông: "Chính phủ Nhật Bản luôn đánh giá cao
sự đóng góp công sức của chồng và cha ông các bạn trong chiến tranh ở Việt
Nam".
Và cuối bài phát biểu Đại sứ Umeda đã nói với chúng tôi: "Hãy
đừng bao giờ quên đất nước Nhật và hãy coi Nhật Bản là niềm tự hào của các
bạn".
Ngay sau đó ông đã đến từng người để lắng nghe các câu chuyện của
mỗi gia đình.
Trời thì rất lạnh nhưng tôi đã nhìn thấy ngài rút khăn mùi xoa từ
trong túi áo vest lau liên tục trên trán. Chắc hẳn Đại sứ Umeda đã cảm nhận được
nỗi khắc khoải của những người vợ và con cháu bị bỏ lại Việt Nam suốt bao năm,
có những gia đình không bao giờ có sự liên lạc nào.
90 phút trôi qua thật nhanh, đã đến lúc chúng tôi phải về nhưng
hình như mọi người vẫn rất say sưa mang ảnh, mang thư từ, vật chứng ra cho ông xem.
Trước khi ra về Đại sứ Umeda và phu nhân ra bắt tay tiễn chào từng
người ở tận ngoài sảnh và hẹn tái ngộ vào một dịp khác.
Đây là lần đầu tiên đại diện cho Chính phủ Nhật có buổi gặp mặt
như thế nên tất cả chúng tôi ai nấy đều rất vui mừng và hy vọng đây sẽ là khởi
đầu tốt đẹp cho những bước tiếp theo.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment