Từ vụ bà hiệu
trưởng Nam Trung Yên nghĩ về câu chuyện bổ nhiệm cán bộ ở Việt Nam(*)
Có mấy bạn nhắn tin hỏi tôi sao không thấy lên tiếng về vụ bà hiệu
trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên đang là đề tài rất “hot” hiện nay.
Tôi trả lời các bạn ấy rằng vì thấy đã có quá nhiều người chửi
rồi, nên không cần phải thêm một người hùa vô nữa là tôi!
Tất nhiên, tư cách như thế, hành xử như thế thì không thể làm thầy
chứ đừng nói là làm tới hiệu trưởng. Nhưng thiết nghĩ, chúng ta phẫn nộ, rủa
xả, lên án… thế đã đủ! Điều quan trọng hơn là cần nhận ra đâu là vấn đề phải
giải quyết, để làm sao loại bỏ được hết những bà (hay ông) hiệu trưởng kiểu đó
trong gần 44.000 ngôi trường từ mầm non tới đại học trên khắp cả nước hiện nay,
bởi rất có thể vụ Nam Trung Yên chỉ là phần nổi nhỏ của một tảng băng lớn…
Tôi nhìn thấy qua vụ này, điều đáng lo hơn hết là với phẩm chất
của những cán bộ lãnh đạo như vậy, ngành giáo dục sẽ thực hiện trách nhiệm đào
tạo thế hệ trẻ ra sao? Những tổn thương về thể xác còn có thể chữa trị, còn
những tổn thương về tinh thần và khiếm khuyết về nhân cách mà ngành GD gây ra
cho học sinh thì không chỉ khó chữa trị mà có khi còn làm mất đi cả tương lai
của những đứa trẻ. Và xét về phạm vi trách nhiệm, nếu bà hiệu trưởng là nhân
vật đáng lên án một lần thì những người bổ nhiệm bà ấy đáng phải bị lên án mười
lần!
Rất thường thấy là cứ mỗi khi xảy ra vụ việc gì, người ta mới lật
lại hồ sơ cán bộ để rồi từ đó phát hiện ra nhiều vấn đề… Như vụ của hiệu trưởng
trường Nam Trung Yên, khi dư luận phanh phui ra nhiều “vết đen” trong quá trình
công tác của nhân vật này, không thể không đặt câu hỏi: Chẳng lẽ những người bổ
nhiệm bà ấy không hề xem lại lý lịch cán bộ trước khi ký quyết định bổ nhiệm
hay phân công? Và tiêu chí chọn lãnh đạo ở ta (không chỉ riêng trong ngành giáo
dục) có bao giờ được công khai để “dân biết, dân bàn” và “dân kiểm tra”?
Một trong những tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ quan trọng nhất của
bộ máy nhà nước hiện nay là yêu cầu bắt buộc về phẩm chất chính trị chứ không phải
phẩm chất đạo đức hay trình độ chuyên môn. Tôi đố ai tìm ra một hiệu trưởng công lập (bất kể trường nhỏ hay
lớn) ở khắp mọi nơi trên đất nước này mà không phải là đảng viên! Nếu muốn phấn
đấu vào các vị trí cao hơn nữa trong bộ máy lãnh đạo ngành, các cán bộ sẽ phải
trang bị thêm trình độ lý luận chính trị trung, cao cấp (tuỳ vị trí). Và ai
cũng hiểu học lý luận chính trị ở đây là học cái gì! Điều đáng lo là bởi thế,
người ta chỉ chú ý xem trọng tiêu chuẩn đầu tiên của cán bộ là “hồng”, còn
“chuyên” thì có thể chạy chọt “bổ sung sau”. Phẩm chất đạo đức là tiêu chuẩn
cuối cùng và hoàn toàn có thể “du di”… Một người có năng lực chuyên môn cao và
tư cách đạo đức tốt, nhưng nếu không phải đảng viên hay chưa đạt trình độ về lý
luận chính trị theo quy định thì vẫn sẽ bị xem là không đủ tiêu chuẩn để được
bổ nhiệm trong bộ máy nhà nước. Hình dung “lộ trình phấn đấu” của những người
như bà hiệu trưởng Nam Trung Yên trước nhất là phải trở thành đảng viên Đảng
CSVN, tiếp theo là ưu tiên đi học các khóa lý luận chính trị, thay vì tập trung
chăm lo phát triển chuyên môn và trau dồi nhân cách của một người làm nghề sư
phạm. Và khi đã có “ghế” rồi thì mọi thứ đều tập trung cho việc làm sao để giữ
được “ghế” thật chắc cho đến ngày về hưu.
Đấy là chưa kể, việc bổ nhiệm cán bộ còn bị ảnh hưởng không nhỏ
bởi yếu tố “nhất thân nhì thế”. Bên cạnh đó, “COCC” thật ra vẫn là một nguyên
tắc bất biến, với lý do “chuyên chính” là cán bộ được bổ nhiệm phải có lý lịch
trong sạch, gia đình có truyền thống và có công với cách mạng! Thế nên chuyện
“hàng gửi” mà vẫn oách hơn và nhiều cơ hội thăng tiến hơn “hàng chính ngạch” là
điều đã trở nên bình thường trong bộ máy Nhà nước.
Hôm rồi, thấy báo chí đưa tin Bí thư Hà Nội than thở rằng đang
phải “đốt đuốc đi tìm người tài”. Nghĩ sao cần gì phải đốt đuốc giữa ban ngày?
Người tài ở ta đâu có thiếu, chỉ là không có cơ chế để họ được trọng dụng thôi!
Khi nào ông Bí thư dám loại bỏ một bà hiệu trưởng – đảng viên kém năng lực và
phẩm chất đạo đức để thay bằng một hiệu trưởng – không đảng viên nhưng chuyên
môn giỏi và nhân cách tốt, thì khi đó tự ông sẽ nhìn thấy có rất nhiều người
tài xung quanh!
Câu chuyện ầm ĩ về bà hiệu trưởng ở Trường tiểu học Nam Trung Yên
chỉ là một ví dụ điển hình cho chính sách sử dụng, bố trí cán bộ không dựa trên
các tiêu chí Tài và Đức… Đúng quy trình hay không, rốt cuộc rồi ai cũng có phải
có chỗ, nếu đã được “quy hoạch”!
Nên cuối cùng, phần 2 của câu chuyện này vẫn là một câu hỏi mà
không biết mấy ai sẽ còn có thể tiếp tục dõi theo, để xem nó có tiếp tục lặp
lại một vòng như trước: Rút về Phòng Giáo dục, rồi sau đó thì sao?
__________
* Đầu đề do BVN
tự đặt.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment