From: Lan K Tran <
Date: 2015-03-27 9:46 GMT-07:00
Date: 2015-03-27 9:46 GMT-07:00
"Người Việt gốc me"
Hoàng Ngọc Trâm
2015-03-16
2015-03-16
Độc Lập, Tự Do, Nằm co vệ đường.
Sau tháng tư năm 1975, gia đình tôi
trải qua những thay đổi lớn. Ba tôi là trụ cột kinh tế của gia đình, nhưng ông
là một công chức của Việt Nam Cộng Hòa, nên tất nhiên ông không thể làm việc
dưới chế độ Cộng Sản. Từ đó, gia đình tôi bắt đầu những năm tháng đầy khốn khó.
Gần nhà tôi có một người hàng xóm
gọi là "chú Hường" hành nghề chích thuốc dạo, nhưng chú ấy bí mật hoạt
động nằm vùng cho Cộng Sản; trước 30/4/1975 chú Hường thường được gọi đến nhà
chúng tôi để chích thuốc mỗi khi có người bệnh, và chú rất thích ba tôi vì ba
tôi đã đối xử rất tử tế và rộng rãi với chú.
Sau 30/4/1975, chú Hường đến nhà và
nói thật với ba tôi rằng chú là Cộng Sản và đang làm việc với chính quyền địa
phương, nhưng vì chú quý trọng ba tôi, nên chú sẽ giúp cho ba tôi thoát khỏi
đợt "tập trung cải tạo", bằng cách chú sẽ không ghi tên ba tôi vào
danh sách "ngụy quân - ngụy quyền", mà thay vào đó, chú đưa ba tôi
vào danh sách "tình nguyện" đi khai khẩn vùng "kinh tế mới"
Phú Nhơn; và chú dặn ba tôi hãy khai trong lý lịch là hành nghề giáo viên trước
30/4.
Vì vậy, ba tôi cùng với hai anh lớn
trong gia đình phải "cắt hộ khẩu" để đến sống tại vùng "kinh tế
mới" Phú Nhơn. Ba tôi vẫn là chủ của căn nhà mà má tôi, tôi và các em tôi
đang sống, nhưng vì đã "cắt hộ khẩu", nên mỗi lần ba tôi và các anh
tôi về thăm nhà, thì má tôi phải đi trình báo cho tổ trưởng dân phố biết, nếu
không thì trong đêm đó, ba tôi và các anh tôi sẽ bị bắt đến đồn công an vì
"tạm trú bất hợp pháp"!
Hồi đó tôi còn nhỏ, chưa hiểu gì
nhiều về chính trị và pháp luật, nhưng tôi vẫn cảm thấy lạ lùng và thường hay
tự hỏi "Nhà này của ba và các anh tôi, họ đã sống tại đây với chúng tôi
suốt bao nhiêu năm, vậy mà giờ đây mỗi lần về thăm nhà thì họ phải đi báo cáo
cho tổ trưởng dân phố biết để làm gì nhỉ? Bây giờ ba và các anh của tôi không
còn quyền gì trong căn nhà này nữa sao?" Thắc mắc như vậy nhưng tôi
cũng chẳng hỏi ai vì lúc nào tôi cũng thấy má tôi tất bật, còn ba và các anh
thì thỉnh thoảng mới về nhà, ai cũng bận bịu, lo lắng về một điều gì đó.
Sau một năm sống tại kinh tế mới
Phú Nhơn, ba và các anh tôi đã bỏ hết sức để cày cuốc trồng trọt, nhưng đất ở
đó chỉ toàn là sỏi đá, tốn tiền mua hạt giống để trồng bắp và các loại đậu
nhưng không thu hoạch được gì. Trồng khoai mì, khoai lang, nhưng cũng chẳng đủ
để ăn, ba và các anh tôi phải đi vào rừng đốn củi, đốt than, rồi phải xuống Vạn
Giã làm thợ chài lưới trên các ghe kéo giã để kiếm tiền. Tiền thu được chỉ đủ
sống qua ngày và trả tiền xe về thăm nhà, lâu lâu mới đem về nhà được vài ký
gạo. Không thể chịu nổi cuộc sống quá khổ cực, mất tự do, mà không thấy một
tương lai nào sáng sủa cho bản thân và các con, ba tôi quyết định vượt biển, dù
biết rằng vượt biển là phải đối diện với tù tội hoặc đối diện với cái chết vì
những trận bão tố khủng khiếp bất ngờ ngoài biển khơi. Tuy nhiên, ông thà chết
chứ không thể cam chịu một cuộc sống như trong địa ngục trần gian.
Thế là ba tôi hợp tác với một nhóm
bạn thân, người góp của, kẻ góp công để tổ chức vượt biển. Những người bạn thân
của ba tôi thì lo việc mua ghe và mọi phí tổn khác. Ba tôi và hai người anh lớn
của tôi thì lo việc tìm bãi, chôn dầu, cất giấu nước và lương thực... Và cuộc
vượt biển đã được thực hiện vào mùa thu năm 1977. Ba tôi cùng người anh kế của
tôi và các bạn của ông đi thoát được, nhưng vì một phần kế hoạch bị thất bại
bất ngờ vào phút chót, nên anh cả của tôi đã bị rớt lại cùng một số người.
Vì ba tôi và các anh tôi không có
hộ khẩu chung với má tôi, nên chính quyền điạ phương không phát hiện ngay được
sự vắng mặt của ba tôi và anh tôi.
Sau đó, khi họ bắt đầu nghi ngờ
rằng ba và anh tôi đã vượt biển, thì họ cũng không có lý do gì để làm khó dễ má
tôi, vì khi họ gọi má tôi lên phường để gặng hỏi chuyện vượt biển của ba và anh
tôi, thì má tôi đã trả lời: "Tôi không biết gì về chồng con tôi cả. Họ đã
cắt hộ khẩu đi kinh tế mới hai năm rồi. Khi nào họ về thăm nhà thì tôi gặp được
họ, còn thường ngày thì tôi nghĩ là họ đang sống tại kinh tế mới Phú Nhơn. Nếu
các ông có biết tin gì về chồng con tôi thì cho tôi hay với."
Thế nhưng, cũng vì không có cùng hộ
khẩu với má tôi, mà anh cả của tôi phải trở thành "người Việt gốc me".
Bị rớt lại sau chuyến vượt biển ấy,
anh cả của tôi không còn chỗ ở. Về lại căn nhà lá ở kinh tế mới ư? Công an ở
địa phương đó sẽ bắt anh ngay. Về nhà với má và các em ư? Lại càng bất
khả, vì công an khu vực ở đây đã từng bắt nhốt anh cả của tôi nhiều lần với lý
do "anh không có hộ khẩu tại nhà này, anh không được sống tại đây".
Nay lại thêm tình nghi rằng anh đã tham gia vượt biển, thì chắc chắn họ sẽ bắt
anh ngay lập tức, nếu họ thấy anh lảng vảng về nhà má tôi.
Thế rồi từ đó, trừ những ngày,
những tháng và những năm bị nhốt trong các trại giam và nhà tù, thì anh cả của
tôi phải lang thang ngủ nhờ ở nhà người quen này một đêm, nhà bạn bè khác một
đêm, còn những hôm anh lén về nhà để thăm má, thì anh phải leo lên ngủ trên mái
nhà, vì nếu ban đêm công an có ập đến soát nhà, thì anh hy vọng rằng họ có thể
không thấy anh, hoặc anh có thể dễ tẩu thoát hơn.
Có một đêm anh cả tôi ngủ trên mái
nhà, bị nhiễm lạnh, trẹo cả bắp thịt sau cổ. Sáng sớm, anh nằm trên mái nhà mà
quằn quại vì đau đớn. Má tôi phải nhờ hàng xóm giúp khiêng anh xuống đất...
Mỗi lần lén về nhà, anh cả tôi
thường đi ban đêm. Vậy mà có lần anh cũng bị công an bắt ngay nơi góc đường gần
nhà. Lần đó anh bị nhốt 12 ngày tại đồn công an phường để họ điều tra về "các
hành vi phản động" của anh. Má tôi phải nhờ cậy người quen giúp cho "chạy
chọt" thì họ mới thả anh ra và đe doạ rằng: "Không bao giờ được lảng
vảng về khu vực này một lần nào nữa."
Khi không còn chỗ để ngủ nhờ một
đêm, và cũng không dám lẻn về nhà má nữa, thì anh cả tôi phải đi ngủ ở thềm nhà
ga, ở bến xe đò, ở trong các sạp chợ... Có rất nhiều đêm, anh tôi cùng một
người bạn thân đã thuê chiếu ngủ tại ga Nha Trang, dưới những hàng cây me. Má
tôi có dẫn tôi đến đó thăm anh, và tôi thấy có rất nhiều gia đình cũng đang
sống lây lất màn trời chiếu đất quanh sân ga và trong cái công viên tồi tàn dơ
dáy trước ga.
Thuở đó, chúng tôi đùa với nhau,
gọi anh cả tôi cũng như bạn anh ấy và những người sống lây lất ở ga Nha Trang
là những "người Việt gốc me". Má tôi đã khóc hết nước mắt khi nhìn
thấy con mình vô tội mà phải sống lang thang ngoài đường như thế.
Rồi sau bao nhiêu lần vượt biên không
thành, bao nhiêu lần vào tù ra khám, anh cả của tôi và người bạn thân của anh
ấy cũng thành công. Giờ đây đại gia đình chúng tôi sống tại Úc. Ở đất nước tự
do này, chúng tôi có thể cư ngụ bất cứ nơi đâu chúng tôi muốn, mà chẳng bao giờ
cần báo cáo cho một chính quyền địa phương nào cả. Chúng tôi có một cuộc sống
thực sự an lành, tự do và hạnh phúc.
Một lần, cách đây không lâu, vài
bạn người Úc của tôi nhìn thấy bức hình những người Việt Nam nằm bên lề đường,
gần đó có một tấm bảng viết những dòng chữ gì đó, thì họ tò mò hỏi tôi về ý
nghĩa của bức hình ấy. Tôi giải thích cho họ rằng đó là bức hình chụp cảnh
những người Việt Nam bị chính quyền tham nhũng chiếm nhà, cướp đất, nên không
còn chỗ ở, phải sống lây lất bên lề đường; còn những dòng chữ đó mang ý nghĩa
chua chát rằng "trên đất nước độc lập, tự do này thì chúng tôi phải nằm co
bên vệ đường để ngủ qua đêm".
Tôi giải thích thêm cho họ biết
rằng "độc lập - tự do - hạnh phúc" là cái phương châm luôn luôn gắn
liền với tên của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Rồi tôi kể cho họ
nghe câu chuyện của gia đình tôi. Thật là khó khăn để giải thích các bạn Úc
hiểu vấn đề "hộ-khẩu" ở Việt Nam, vì ở Úc chưa bao giờ có khái niệm
về "hộ-khẩu". Sau khi nghe tôi kể chuyện, họ vô cùng ngạc nhiên
và nói: “Thực là buồn cười, chính phủ Việt Nam đã hành động hoàn toàn trái
ngược với cái phương châm mà họ đưa ra. Nước Úc đâu có cần phải đưa ra một
phương châm như vậy, nhưng nước Úc lại thực sự có độc lập, tự do và hạnh phúc.
Chúng tôi càng ngày càng hiểu lý do tại sao các bạn đã bỏ nước ra đi..." Rồi
họ vui vẻ nói thêm: “Bây giờ, gia đình bạn là người-Úc-gốc-Việt”!
Từ 1975 cho đến nay, bốn mươi năm
đã trôi qua, nhưng ở Việt Nam giờ đây vẫn có rất nhiều người không còn nhà cửa,
vì đất đai của họ đã bị "quy hoạch" hay "cưỡng chế" bởi một
chính quyền tham nhũng. Nhiều người không được đền bù, và nhiều người chỉ được
đền bù bằng một giá rất thấp, không đủ cho họ đi mua một chỗ khác để ở. Trong
khi đó, những vùng đất bị "quy hoạch" hay "cưỡng chế" sẽ
nhanh chóng biến thành tiền bạc, đất đai, nhà cửa, khách sạn... của tầng lớp
cai trị.
Không có nhà để ở, họ đành ở trên
lề đường, ngủ tạm ở bất cứ nơi nào họ có thể. Giờ đây, khắp nơi trên đất
nước Việt Nam, rất nhiều hàng cây cao đã bị đốn sạch. Thỉnh thoảng tôi thầm
nghĩ: "Có còn những hàng cây me bên những nhà ga để họ đến trải chiếu ngủ
đỡ vào ban đêm như anh cả tôi và bạn của anh ấy ngày xưa không? Hay họ phải ngủ
dưới gầm cầu, trong ống cống... trong những đêm lạnh lẽo?"
Xem tấm hình chụp cảnh những người
dân oan mất nhà mất đất ở An Giang nằm dọc theo những vệ đường với tấm bảng ghi
khẩu hiệu "DÂN AN GIANG - ĐỘC LẬP TỰ DO NẰM CO VỆ ĐƯỜNG VÌ MẤT NHÀ ĐẤT",
tôi buồn và xót xa làm sao. Bây giờ chúng ta gọi họ là "người Việt gốc …"
gì nhỉ?
3/2015
Hoàng Ngọc Trâm
__._,_.___
No comments:
Post a Comment