Ls Lê Thị Công Nhân: Những hành động chung trong ngày 14/03
vô cùng quí giá
RadioCTM - Nguyễn Vũ@S:
RadioCTM: Theo Ls. Lê Thị Công Nhân, bên cạnh đề nghị của Nghệ sĩ Kim Chi,
bà có suy nghĩ thế nào đối với những người đã nằm xuống vì lý tưởng bảo vệ đất
nước?
Ls. Lê Thị Công Nhân: Theo quan niệm của tôi thì trong vòng khoảng 4
năm gần đây, từ năm 2011, khi phong trào biểu tình chống Trung Quốc xâm lược
biển đảo Việt Nam phát triển và nở rộ, thì việc mọi người liên kết lại với nhau
bắt đầu phát triển vượt trội so với trước đó. Ở trong nước dưới một chế độ độc
tài rất kìm kẹp, gắt gao về tất cả những vấn đề liên quan đến chính trị, thì sự
liên kết đó càng quí giá. Và chúng tôi ở trong một tình trạng mà tất cả những ý
tưởng đưa ra, về nguyên tắc đều nhận được sự ủng hộ và cổ vũ của những người
khác, bởi vì chúng tôi coi đó là điều rất là quí, là cơ hội để chúng tôi tập
dượt những việc làm, những hành động mang tính chất cộng đồng, mang tính chất tập
thể mà trước đây có thể nói rằng ở trong nước chưa bao giờ có được một cơ hội
để liên lạc với nhau và cùng nhau làm những việc như vậy.
Cho dù là những ý
tưởng trong những dịp nhỏ hoặc nó còn chưa thể nào mang đến những ảnh hưởng hay
hiệu quả lớn như chúng tôi mong đợi, thì chúng tôi đều luôn cố gắng ủng hộ và
tham gia hết mình. Đấy là nguyên tắc của chung những người đấu tranh trong
nước.
Như tôi vừa nói lúc nãy, lý do là bởi vì đây là một cơ hội rất quí
giá mà mọi người từ trước đến giờ chưa từng có một khả năng liên lạc với nhau
nhiều như hiện nay, cho nên chúng tôi tranh thủ khi đưa ra những ý tưởng như
vậy. Một người đưa ra thì những người còn lại đều rất ủng hộ.
Tôi thấy rõ ràng là những dịp như thế này, những người quan tâm
đến vấn đề bảo vệ biên giới lãnh thổ Việt Nam trước sự xâm lược của Trung Cộng
thì từ trước đến nay, cả trong Nam và ngoài Bắc đã tổ chức được những cuộc
viếng thăm và những cuộc tưởng niệm tại những địa điểm công cộng và thực hiện
một cách công khai giữa ban ngày. Bởi vì mục đích của chúng tôi nhằm hướng tới
làm sao những người chung quanh, những người mà còn không biết gì, hoặc người
ta có biết nhưng vẫn còn sự vô cảm, thì người ta hãy quan tâm đến sự việc đó.
Những cuộc tưởng niệm cũng không phải là làm một việc gì quá lớn; những
cuộc lớn nhất có lẽ cũng chỉ lên tới được khoảng 300 người. Đấy là theo nhận
định của tôi, có thể nó không chính xác vì đám đông không thể ước lượng được
chuẩn xác. Nhưng càng về sau này chúng tôi thấy những sự việc như vậy..., một
mặt thì nhiều người quan tâm hơn, nhưng một mặt khác, khi diễn ra thì chúng tôi
bị những sự đàn áp, những sự đối xử phải nói rằng hết sức là bạo lực và bỉ ổi
của lực lượng an ninh của chính quyền. Ví dụ như vừa rồi chúng ta thấy sự kiện
những người ở miền Bắc đi dâng hoa tưởng niệm ở tưởng đài Vua Lý Thái Tổ ở ngay
bờ hồ Hoàn Kiếm ở trung tâm.., giữa buổi sáng ban ngày thì đã bị lực lượng mật
vụ, tức là công an mặc thường phục, và bên cạnh đó là lực lượng công an mặc sắc
phục đứng vòng ngoài để bảo kê sự việc ấy... Thì những tên mật vụ này, thưa với
quí vị, là đã nhổ nước bọt vào mặt những người đi dâng hoa tưởng niệm, bởi vì
những sự việc này đưa lên truyền thông rất nhiều.
Lời kêu gọi của Nghệ sĩ Kim Chi theo tôi mang một tính chất cá
nhân; tức là những cá nhân hoàn toàn có thể thực hiện được, ngay tại nhà mình
hoặc tại công sở nơi mình làm việc. Và theo tôi thì nó hơi khác với những lời
kêu gọi [tham gia các sinh hoạt mà] cho dù là nguy hiểm chúng ta vẫn sẽ phải cố
gắng để cùng sức tham dự những cuộc tuần hành, những cuộc tưởng niệm ở những
nơi công cộng vào những thời điểm mà đông đúc người dân qua lại nhằm loan báo
về những sự việc đó và thức tỉnh sự quan tâm và cái lương tri của người dân
Việt Nam, mà những thông tin về những cuộc chiến để bảo vệ biên giới lãnh thổ
Việt Nam có thể nói bị bưng bít gần như là tuyệt đối trên tất cả các phương
tiện truyền thông. Và nếu được nhắc đến thì nhắc đến một cách phiến diện, thậm
chí là méo mó làm cho người ta hiểu sai đi.
Ý kiến của tôi là, một mặt như là lời kêu gọi của cô Kim Chi,
những ai có thể làm được thì chúng ta làm; nó mang tính chất nội tâm.
Và tất
nhiên nếu có một tập thể đông cùng ngồi lại với nhau để dành ra những phút mặc
niệm như vậy thì cũng rất tốt, nhưng theo tôi thì dù gì cũng phải làm, nên làm
những cuộc tuần hành và tưởng niệm công cộng. Những điều tôi vừa nói với quí vị
là chúng tôi đã làm và vẫn đang làm, chứ không phải là những việc mới.
Tôi chỉ
muốn nhấn mạnh rằng những phương trình đó chúng ta cần phải kiên nhẫn để tiếp
tục thực hiện bởi vì theo tôi đi theo cái hướng đó là đúng đắn và chúng ta
không nên nản chí, bi quan khi mà lực lượng của chúng ta còn rất là ít về số
lượng và phải nói là hoàn toàn yếu thế trước hành xử đàn áp bạo lực của chính
quyền. Nhưng nó cũng giống như chúng ta không còn một cách nào khác để chúng ta
đi theo con đường đấu tranh bất bạo động thì chúng ta phải lấy chính mình ra để
làm gương và tự mình tham gia. Đó là cách mà chúng ta lôi kéo được thêm những
người ở ngoài, những người mà chưa từng biết đến phong trào.
Ngoài ra còn có những cuộc thăm viếng tại tư gia người thân của
những người đã chiến đấu, đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ lãnh thổ và biên
giới nước ta. Và chúng tôi không phân biệt những người đó là người lính của
VNCH hay là người lính của sau này khi đất nước thống nhất sau năm 1975.
Đối
với chúng tôi thì những hành động đó cho dù người lính của Bắc Việt, người ta
đã hy sinh trong một hoàn cảnh bi thương hơn cả những người lính VNCH bởi vì họ
thậm chí còn không nhận được lệnh [cho phép] chiến đấu từ phía chính quyền. Và
như chúng ta biết là có những trận chiến bảo vệ hải đảo mà thậm chí họ còn
không có cả súng ống để chiến đấu lại, và gần như họ tiêu diệt ngay lập tức ở
trong tình trạng không thể kháng cự trước lực lượng quân sự đổ bộ xâm lược của
Trung Cộng.
Còn những người lính VNCH họ đã chiến đấu như những chiến binh thực
sự can đảm và anh hùng cho đến tận những giây phút cuối cùng. Thì những việc đó
chúng tôi không phân biệt nữa những người lính của miền nào mà chúng tôi cố
gắng đi tìm địa chỉ của gia đình những người lính đã hy sinh và đến thăm viếng
họ.
Điều này thì chúng tôi đã làm và cũng đã thường xuyên đưa lên mạng trong
những trang thông tin của các hội trong nước. Chắc là quí vị quan tâm thì cũng
có biết, ví dụ như Hội Bầu Bí đã đến thăm gia đình của bà Ngụy Văn Thà... Khi
chúng tôi đi trong các cuộc tuần hành, chúng tôi in tên tuổi của họ - những
người lính đã chiến đấu và hy sinh - lên những tờ giấy và đưa lên để biểu dương
tinh thần bất khuất hy sinh của họ.
Tôi nghĩ tất cả những việc này hoàn toàn không có gì mới mẽ, nhưng
đối với một đất nước bị kìm kẹp như ở Việt Nam thì nó thật sự vô cùng quí giá
và đến bây giờ vẫn có thể coi đó như là những cuộc tập dượt cho những cuộc
xuống đường trong tương lai. Và đây là những sự kiện hoàn toàn chính đáng, và
chúng tôi luôn luôn cố gắng tham gia.
Vậy mà, những cái thực tiễn như vậy,
thuần túy là bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia chứ chưa nói đến những thái độ
chính trị gì cả, thì những người đi biểu tình cũng đã bị đàn áp, bị đánh đập,
bị bắt bớ, bị phỉ nhổ một cách cực kỳ là ... nói chung người văn minh cũng như
ở nước ngoài chắc không hình dung nổi có một đất nước lại đối xử với dân chúng
của mình như vậy. Nhưng không phải vì thế mà chúng tôi sẽ từ bỏ những cái việc
mà chúng tôi đã làm và vẫn đang làm.
RadioCTM:
Cám ơn Ls. Lê Thị Công Nhân.
Âm thanh cuộc phỏng vấn Ls. Lê Thị Công Nhân: https://soundcloud.com/radio-ctm-1/ls-le-thi-cong-nhan-nhung-hanh-dong-chung-trong-ngay-1403-vo-cung-qui-gia
Âm thanh cuộc phỏng vấn Nghệ sĩ Kim Chi: https://soundcloud.com/radio-ctm-1/nghe-si-kim-chi-de-nghi-mac-niem-toan-quoc-ngay-14-3
__._,_.___
No comments:
Post a Comment