Luật hóa chạy chức:
Ngộ nhận mơ hồ?
Nguyễn Duy Xuân
Dân trí Chức nhỏ chạy nhỏ, chức to chạy to. Cái “giá trị” kiểu
chạy chức chạy quyền mà PGS.TS nói ở trên được đo bằng tiền chứ không phải bằng
tài năng.. Minh họa: Ngọc Diệp
Trong bối cảnh xã
hội hiện nay, bỗng nhớ lại cách đây đúng một năm, trả lời phỏng vấn của
báo chí về chuyện chạy chức mà bây giờ vẫn nóng bỏng tính thời sự,
ông Nguyễn Hữu Tri, PGS.TS, Viện phó phụ
trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, đã đề xuất ý tưởng “luật hóa” cho
phép chạy chức chạy quyền công khai. (http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/can-luat-hoa-cho-phep-chay-chuc-chay-quyen-2214305).
Lập
luận mà ông PGS.TS đưa ra trong bài trả lời phỏng vấn của mình là:
– Thứ nhất: Chạy chức
chạy quyền không riêng gì ở Việt Nam mà thế giới cũng đã chạy nhiều ví như
“Obama phải ‘chạy’ vào Nhà Trắng, Putin phải ‘chạy’ vào nhà đỏ”.
– Thứ hai: Chạy chức
chạy quyền không có gì là xấu, đó là cơ hội để người chạy “đóng góp được nhiều
hơn”. Ông thừa nhận: “Bản thân tôi cũng từng nói với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả
Phiêu rằng tôi cũng muốn chạy để có chức”.
– Thứ ba: Kinh tế vận
hành theo cơ chế thị trường có cung cầu, có cạnh tranh, có giá trị thì công tác
tổ chức cán bộ lẽ nào lại không vận hành theo, điều đó cũng không có gì là xấu
vì nó vẫn là quan hệ cung cầu.
– Thứ 4: Nếu thiết lập
theo luật định chuyện chạy chức chạy quyền thì tiền sẽ nổi lên, Nhà nước quản
lý được, không chảy vào túi của riêng ai.
– Thứ 5: Tất cả những
điều trên: Chạy chức chạy quyền là đương nhiên, cần luật hóa để thu tiền cho
nhà nước.
Thoạt đọc, lí lẽ mà
PGS.TS đưa ra có vẻ rất thuyết phục, nhưng ngẫm nghĩ lại thì thấy có một số
điều cần bàn lại:
Thứ nhất, PGS.TS ngộ
nhận việc “chạy” vào Nhà trắng của tổng thống Mỹ hay Nhà đỏ của tổng thống Nga
cũng giống như việc chạy chức ở ta. Nhưng chuyện “chạy” vào Nhà trắng của ông
Obama như thế nào cả thế giới đều biết, khác với “chạy” chức chạy quyền ở
ta.
Thứ hai, chạy chức chạy
quyền ở ta là có thật nhưng xưa nay đều dấm dúi giữa một nhóm người có tiền, có
quyền với nhau hòng giành ghế mưu lợi cho cá nhân. Chạy như thế mà “không có gì
xấu” ư, thưa PGS.TS? Vô hình chung, ông lại khuyến khích cho việc chạy chức –
một vấn nạn đang làm nhức nhối xã hội hiện nay?
Thứ ba, không phải cứ
vin vào cơ chế thị trường để rồi áp đặt mọi hoạt động trong xã hội cũng phải
theo cơ chế này trong đó có công tác tổ chức nhân sự. Từ khi xã hội loài người
có thể chế, có nhà nước, chưa thấy chế độ nào đồng tình với việc chạy chức
chạy quyền cả. Thời phong kiến tuy cũng có chuyện mua bán quan tước, nhưng quan
tước do mua bán chỉ là phẩm hàm mà không được trao chức vụ, nghĩa là hữu danh
vô thực. Còn bây giờ, chức vụ gắn với quyền lực và bổng lộc. Chức càng to thì
quyền càng lớn, lộc càng nhiều và tất nhiên, để “đấu thầu” được phải bỏ ra cả
một núi tiền. Cứ làm theo đề xuất của ông thì xã hội sẽ vận hành ra sao?
Thứ tư, PGS.TS nói luật
hóa chạy chức để thu tiền cho nhà nước. Ý tưởng của PGS.TS khiến tôi bỗng nhớ
đến một câu nói của ông Hoài Thanh, nhà phê bình văn học nổi tiếng khi bàn về
cái xã hội bị chi phối bởi đồng tiền trong truyện Kiều: “Cả một xã hội chạy
theo đồng tiền”. Chả nhẽ điều đó sẽ thành hiện thực trong nay mai nếu thực hiện
theo ý tưởng của PGS.TS Tri? Lúc ấy chỉ có tiền là trên hết. Hiền tài – nguyên
khí quốc gia sẽ bị triệt tiêu nếu không có tiền để “chạy”?
Trong bài trả lời phỏng
vấn, PGS.TS có nói đại ý: ông đã từng nhiều lần đặt câu hỏi khi giảng bài cho
các học trò rằng tại sao lại phê phán việc chạy chức chạy quyền. Thế giới
“chạy” được thì Việt Nam cũng “chạy” được, chẳng có gì là xấu. Và ông cũng thừa
nhận chính ông cũng từng muốn chạy để có chức, có quyền. Thưa PGS.TS! nghĩ
đến đã có bao nhiêu thế hệ cán bộ quản lí ông “gieo mầm” tư tưởng chạy chức
chạy quyền? Nghĩ thế, bỗng thấy rùng mình. Thiện tai! Thiện tai!
Chạy chức chạy quyền
đang là vấn nạn của xã hội và là một trong những nguyên nhân sâu xa của quốc
nạn tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đang ra sức phòng chống hiện nay. Chức
nhỏ chạy nhỏ, chức to chạy to. Cái “giá trị” kiểu chạy chức chạy quyền mà
PGS.TS nói ở trên được đo bằng tiền chứ không phải bằng tài năng. Chẳng ai dại
gì bỏ tiền túi ra đấu giá chức quyền, mà lại không tính đến chuyện thu hồi cả
vốn lẫn lãi trong tương lai. Nguồn thu hồi vốn và lãi ấy ở đâu chẳng nói thì ai
cũng biết. Và, cái ý tưởng khác người “luật hóa cho phép chạy chức chạy quyền”
như trên “rằng hay thì thật là hay” nhưng xem ra… không ổn lắm cho sự tiến
bộ của xã hội.
N.D.X.
Thế nào là một chính quyền của giới đầu cơ?
Nam Nguyên, phóng viên
RFA
2015-01-30
2015-01-30
Ảnh minh họa chụp một con
đường ven sông Sài Gòn, hướng về trung tâm TPHCM hôm 19/11/2013.
Your browser does not
support the audio element.
Kinh tế tài chính VN
đang gặp nguy hiểm?
TS Vũ Quang Việt, chuyên
gia kinh tế gốc Việt vừa cảnh báo là Việt Nam đang trong tình trạng bấp bênh,
mức tăng GDP không đủ để trả lãi nợ vay của toàn bộ nền kinh tế.
Trong bài viết được tờ
Thời báo Kinh tế Saigon Online đưa lên mạng ngày 29/1/2015, TS Vũ Quang Việt
nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản Quốc gia Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc kêu
gọi Việt Nam cấp bách đổi mới thể chế, nhằm bảo đảm sự lành mạnh cho nền tài
chính quốc gia. Theo lời TS Vũ Quang Việt, hiện nay nền tài chính bị nhóm lợi
ích tài chính sử dụng nhằm mục đích chính là đầu cơ tài sản từ địa ốc, chứng
khoán và đến cả điều gọi là sản xuất ảo.
Lạm phát, nợ tăng quá mức, nợ xấu là
hệ quả, đưa đến tình trạng một số người giàu nhanh chóng còn đại đa số vẫn khó
khăn.
TS Vũ Quang Việt đưa ra
một thí dụ đơn giản, trong một nền kinh tế không có lạm phát, nếu nợ là 100%
ngang bằng với GDP với lãi suất là 5% thì GDP tăng 5% chỉ đủ để trả lãi. Hiện
nay tỷ lệ nợ của Việt Nam tức nợ của toàn bộ nền kinh tế đã bằng 164% GDP thì
GDP tăng 5% chỉ đủ để trả 60% lãi, như thế phải tăng GDP đến 8% thì mới có thể
trả được lãi.
Chúng tôi vừa nhận được
tin là 620 cán bộ công nhân viên của Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng năm nay không
có tiền thưởng Tết. Đó là một bi kịch chưa từng thấy đối với nền kinh tế.
-TS Phạm Chí Dũng
Theo đánh giá của TS Vũ
Quang Việt trên Saigon Times Online, toàn bộ nợ của nền
kinh tế Việt Nam cho đến năm 2014 là 303 tỉ đô la, tương đương 164%
GDP, số nợ tăng rất mạnh sau năm 2006, lúc đó
chỉ bằng 98% GDP. Riêng về nợ công tức nợ của khu vực kinh tế nhà nước nếu gộp
cả nợ của doanh nghiệp nhà nước, thì tính đến năm 2013 là 143,6 tỉ đô la chứ
không phải 90 tỉ đô la như cách tính của chính phủ. Như vậy theo TS Vũ Quang
Việt nợ của khu vực kinh tế nhà nước tương đương 53% tổng nợ của cả nền kinh
tế. Trong khi đó khu vực kinh tế nhà nước chỉ sản xuất ra 32% GDP.
Đáp câu hỏi của chúng
tôi là phải chăng tình hình kinh tế tài chính Việt Nam đang gặp nguy
hiểm? Chuyên gia kinh tế Phó Giáo sư Ngô Trí Long từ Hà Nội nhận định:
“Theo
tôi nghĩ là một tình trạng báo động, với tư cách chuyên gia tôi nghĩ là
tỷ lệ nợ công theo GDP là căn cứ rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn nữa là
xem việc sử dụng cái nguồn để trả nợ cũng như hiệu quả hoạt động nền kinh tế
vấn đề sử dụng đồng tiền đó như thế nào. Chứ còn giả sử nợ công mặc dầu có dưới
trần cho phép, nhưng hoạt động không hiệu quả, làm ít ăn nhiều làm không hiệu
quả không có thặng dư thì chắc chắn sẽ nguy hiểm. Trong bối cảnh Việt Nam cả
hai vấn đề đó cần phải xem xét, thứ nhất nợ công theo cách tính toán của một số
chuyên gia theo thông lệ quốc tế thì có thể không phải như chính phủ công bố mà
cao hơn, đặc biệt nguồn chi trả của nó thì không có khả năng đáp ứng. Bởi lẽ
ngân sách luôn luôn thâm thủng bội chi mà bội chi ngân sách của Việt Nam là một
căn bệnh trầm kha bởi năng suất chất lượng hiệu quả luôn luôn là thấp.”
Công trình xây dựng
đường xe điện trên cao (sky train) tại trung tâm thành phố Hà Nội hôm 26 tháng
2 năm 2014. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Cùng một câu hỏi phải
chăng tình trạng hiểm nguy đang đối diện nền kinh tế tài chính Việt Nam, TS
Kinh tế Phạm Chí Dũng một nhà phản biện độc lập ở Saigon nhận định:
“Người
ta đã nói khá nhiều về khả năng vỡ nợ của Việt Nam giống Argentina năm 2001 và
năm trước chính phủ Việt Nam đề cập việc vay 1 tỉ đô la đã là khó khăn. Tôi
không biết 1 tỉ đô la phát hành trái phiếu quốc tế của Việt Nam như là một
thành tích vào cuối năm trước là ai mua; mà cũng có khá nhiều người tỏ ra nghi
ngờ rằng, đã có những Tập đoàn Nhà nước ở hải ngoại đứng ra mua trái phiếu chứ
không phải là một quốc gia uy tín nào, hoặc là những doanh nghiệp uy tín nào
của quốc tế. Thành thử tình trạng hiện nay rất nguy hiểm và điều đó có thể nhìn
thấy qua một ý kiến ‘phơn phớt’ của ông Bùi Quang Vinh Bộ trưởng Kế hoạch Đầu
tư, hay ý kiến thẳng thắn hơn nhiều của ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện
Kinh tế Việt Nam, thì nhìn vào tình trạng nợ công nợ xấu, thị trường bất động
sản, vấn đề thất nghiệp và gần nhất là vấn đề tiền thưởng Tết của các doanh
nghiệp hiện nay. Chúng tôi vừa nhận được tin là 620 cán bộ công nhân viên của
Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng năm nay không có tiền thưởng Tết. Đó là một bi kịch
chưa từng thấy đối với nền kinh tế.”
Chính quyền đẩy lạm phát
là chính quyền của giới đầu cơ
Trở lại bài viết của
chuyên gia kinh tế tài chính TS Vũ Quang Việt trên Saigon Times Online, ông cho
rằng lạm phát chính là biện pháp hay chính sách để người vay không phải trả nợ
vì giá trị thật của nợ giảm… Và một chính quyền cổ vũ cho tăng tín dụng, đẩy
lạm phát là một chính quyền của giới đầu cơ.
Trong câu chuyện với
chúng tôi chuyên gia kinh tế Phó Giáo sư Ngô Trí Long nhận định:
“Tôi
nghĩ cách nói của ông Việt rất là tế nhị, ông không nói thẳng là Việt Nam nhưng
chúng ta thấy rằng thực chất nó là bản chất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Đặc biệt ông Việt là một Việt kiều, nhiều khi người ta nói là thuốc đắng thì dã
tật, sự thật thì mất lòng. Nói thẳng vấn đề ra thì nhiều khi người ta cũng cảm
thấy là không dễ chịu cho nên cách của ông dùng hình tượng đó nhưng nếu mình
hiểu đúng bản chất của nền kinh tế Việt Nam thì thực chất là nói đến nền kinh
tế Việt Nam.”
Nền kinh tế Việt Nam
cũng vẫn có một sự trì trệ nhất định hay sự phát triển cũng chỉ có một mức độ
nhất định, thì chính là do lời nói cũng như việc làm, chính sách chủ trương đưa
ra và việc thực hiện nó không đồng nhất với nhau.
- PGS. Ngô Trí Long
Trong bài viết của mình
trên Saigon Times Online, TS Vũ Quang Việt nhấn mạnh tới nguyên nhân gây
ra nợ công lớn không chỉ vì chính sách xây dựng hạ tầng cơ sở mà còn vì chính
sách chi tiêu cho Tập đoàn Doanh nghiệp Nhà nước, tưởng là có thể đẩy mạnh tốc
độ tăng GDP và khi chúng thiếu hiệu quả gây khủng hoảng kinh tế, thì lại có cớ
tăng chi kích cầu. Kết quả là nợ nhà nước phình to, chiếm tỷ lệ rất lớn của GDP
nhưng cuối cùng chỉ là giúp tìm việc cho nhóm lợi ích và giúp cho giới đầu cơ
làm giàu.
Cùng về vấn đề này, TS Kinh
tế Phạm Chí Dũng trình bày cách nhìn của ông:
“Vào
năm 2009 khoảng 143.000 tỉ đồng đã được tung ra tương đương 8,5 tỉ đô la vào
thời điểm đó và đã làm lợi cho hai thị trường chứng khoán và thị trường bất
động sản. Thị trường chứng khoán tăng gấp ba lần, thị trường bất động sản Hà
Nội cũng tăng giá gấp ba lần và tạo ra một cơn điên. Việc này chỉ có lợi cho
bất động sản và chứng khoán và sau đó tính chất đầu cơ mạnh mẽ đến mức Quốc hội
cũng phải lên tiếng. Nhưng mà cho tới giờ Quốc hội cũng chưa có điều kiện hoặc
là không dám có điều kiện để kiểm chứng lại hiệu quả của gói kích cầu chính phủ
tung ra vào năm 2009 là như thế nào.”
Chuyên gia Vũ Quang Việt
sau khi vạch rõ nguyên nhân dẫn đến căn bệnh trầm kha của nền kinh tế Việt Nam
hiện nay đã đề nghị sự cải cách cơ bản là “Viết lại Luật Tín dụng và Luật Doanh
nghiệp”. Trên Saigon Times Online ông cho rằng, chỉ nói cơ cấu lại nền kinh tế
như tăng chỗ này giảm chỗ kia thì không có nhiều ý nghĩa. Vấn đề cơ bản là xây
dựng được một nền tài chính lành mạnh làm cơ sở để nền kinh tế phát triển lành
mạnh. Theo quan điểm của ông Vũ Quang Việt, viết lại Luật Tín dụng là yêu cầu
cơ bản và điều quan trọng là việc viết lại này không đòi hỏi phải thay đổi Hiến
pháp hiện hành.
Theo TS Vũ Quang Việt,
Luật các tổ chức tín dụng hiện hành cho phép sở hữu chéo, giữa các ngân hàng và
giữa ngân hàng với công ty tài chính và doanh nghiệp phi tài chính. Chính điều
này đã tạo ra cơ sở để tư bản thân hữu nảy nở. Viết lại Luật Tín dụng theo
hướng triệt tiêu tất cả những sự cho phép đó, chấm dứt mọi hình thức lạm dụng
tài chính quốc gia.
TS Vũ Quang Việt đề nghị
viết rõ trong Luật Tín dụng và cả Luật Ngân hàng Nhà nước đòi hỏi mọi doanh
nghiệp dù công hay tư phải báo cáo tài chính có kiểm toán hàng quí và hàng năm.
Theo ông, lành mạnh hóa nền tài chính bằng cách viết lại luật chỉ là một điều
kiện cần để kinh tế có thể hoạt động hữu hiệu. Các điều kiện khác vẫn là nền
kinh tế phải có tính cạnh tranh, không ưu tiên do đó cần xóa bỏ dần Doanh
nghiệp Nhà nước. Đối với các Doanh nghiệp Nhà nước độc quyền như sản xuất điện,
cần nghiêm cấm đầu tư ngoài hoạt động mà Doanh nghiệp Nhà nước được độc quyền.
Trong bài viết trên
Saigon Times Online, TS Vũ Quang Việt đề nghị công khai minh bạch về các khoản
nợ. Thực hiện luật phá sản đối với ngân hàng và doanh nghiệp đã ngập sâu trong
nợ nần, không thể cứu nếu không chi một lượng tiền quá lớn.
Đáp câu hỏi của chúng
tôi về khả năng khuyến nghị của TS Vũ Quang Việt được lắng nghe và thực hiện,
Phó giáo sư Ngô Trí Long nhận định:
“Tôi
nghĩ ý kiến và quan điểm của ông Việt hoàn toàn đúng và đúng với thông lệ quốc
tế, đúng với qui luật của kinh tế thị trường. Tôi đã từng làm việc nhiều với
ông Việt, ông là người có tư duy kinh tế thị trường thực sự và cũng am hiểu về
Việt Nam rất là sâu, những ý kiến và đề nghị của ông Việt là hoàn toàn chuẩn
xác. Nhưng việc vấn đề được đưa ra và thực hiện nó như thế nào là một vấn đề
cần phải xem xét; trong bối cảnh tình hình Việt nam hiện nay, đã thấy được tình
hình đó nhưng để xử lý giải quyết những vấn đề này một cách triệt để đúng theo
như lời nói thì hoàn toàn rất là khó. Chính vì vậy nền kinh tế Việt Nam cũng
vẫn có một sự trì trệ nhất định hay sự phát triển cũng chỉ có một mức độ nhất
định, thì chính là do lời nói cũng như việc làm, chính sách chủ trương đưa ra
và việc thực hiện nó không đồng nhất với nhau.”
Theo quan điểm và ý kiến
của TS Phạm Chí Dũng, đề nghị của TS Vũ Quang Việt có tính khả thi chỉ riêng
trong vấn đề thực hiện phá sản các tổ chức tín dụng ngập trong nợ nần nói
chung. Tuy nhiên theo lời nhà phản biện độc lập này, sự công khai minh bạch không
tồn tại ở Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay. Trong khi các đề nghị cải cách cơ
bản của chuyên gia Vũ Quang Việt, đặc biệt trong xóa sở hữu chéo, trên thực tế
đều cần phải có sự công khai minh bạch mới có thể trở thành hiện thực.
No comments:
Post a Comment