“Đổi mới chính trị”
chỉ là sách lược của Đảng Cộng sản Việt Nam
Thiện Tùng
Khi nhận ra chủ thuyết cộng sản quá nhiều
khiếm khuyết, kềm hãm xã hội…, đầu thập niên 90, các nước cộng sản Đông Âu tiến
hành cải tổ đồng bộ về chính trị và kinh tế (thượng tầng và hạ tầng) theo kiểu
cha nào con nấy, êm xuôi, từng bước thăng tiến vững chắc.
Đảng Cộng sản Việt Nam không chấp nhận “cải
tổ” về mọi mặt như các đảng cộng sản Đông Âu. Trước áp lực của công chúng về
cuộc sống, tại Đại hội 6 năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn quyết bám chủ
thuyết cộng sản, chỉ “cải cách” nửa vời về kinh tế, với sách lược “đổi mới kinh
tế” theo hướng thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – có nghĩa là kinh tế thị
trường chỉ là sách lược, là phương tiện phục vụ cho chiến lược kinh tế xã hội
chủ nghĩa theo chủ thuyết Cộng sản. Hình thức kinh tế “đầu gà đít vịt” này
khiến đất nước khó phát triển, đang ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu
vực, nhiều tệ nạn xảy ra, nhất là tệ cửa quyền, tham nhũng trong giới lãnh đạo.
Giờ đây, trước áp lực của công chúng lên án
thể chế độc tài Đảng trị, đòi dân chủ đa nguyên chính trị…, hội nghị lần thứ
10/khóa 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng buộc phải tạm áp dụng sách lược “Đổi
mới chính trị” để xả căng, thoát hiểm theo mô hình chính trị hiện nay của Trung
Quốc.
Trong bản tổng kết hội nghị 10/khóa 11, người
ta lưu tâm nhất đoạn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đổi mới chính trị
không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất Đảng, Nhà nước
mà chỉ thay đổi cơ chế”.
Câu nói ngắn gọn này thể hiện quan điểm, lập
trường trước sau như một của Đảng Cộng sản Việt Nam:
– “Đổi
mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính tri” – có
nghĩa là Đảng CS tiếp tục thủ vai toàn trị như hiện nay, theo điều 4 Hiến pháp
hiện hành?
– “Không
thay đổi bản chất Đảng, Nhà nước” – có nghĩa là Đảng vẫn theo học
thuyết Mác Lê Mao, tiếp tục quản lý xã hội bằng Nhà nước gọi là “Chuyên chính
vô sản” hay nói rõ hơn là Nhà nước “Đảng quyền”, quyết không chấp nhận Nhà nước
“Pháp quyền” như công chúng đang đòi hỏi?
– “Chỉ
thay đổi cơ chế…” –
cơ chế gì sao không nói rõ!? Cơ chế chính trị hiện hành là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm
chủ”. Nếu thay đổi cơ chế chính trị hiện hành thì chắc là Tổng Bí
thư Trọng muốn nói đến cơ chế mang yếu tố sách lược là “đa nguyên chính trị” theo mô
hình Trung Quốc hiện nay – tức là, để tạm thời ổn định chính trị, Đảng Cộng sản
Việt Nam có thể cho phép những đảng, phái… tham gia chính trường với điều kiện
bất di bất dịch là Đảng Cộng sản Việt Nam chấp chánh, những thành phần khác
tham chính – một mô hình đa nguyên chính trị chỉ mang ý nghĩa sách lược mà
“Đảng ta” đã dùng nó như phương tiện gỡ khó trong thời chiến 1946-1975?
Vậy, việc thay đổi cơ chế chính trị mà
hội nghị 10 nêu ra chẳng qua là hình thức, nhằm trang trí bộ mặt cho sáng sủa
một chút, chớ thực chất là “bình mới rượu cũ”, vẫn là Đảng Cộng sản Việt Nam
cầm quyền tối hậu, lãnh đạo nhà nước và xã hội một cách trực tiếp, toàn diện,
tuyệt đối theo điều 4 Hiến pháp hiện hành.
Nếu hiện nay, người ta tranh nhau giành ghế
Chủ tịch nước hay ghế Thủ tướng thì còn hy vọng. Còn như lãnh đạo cấp cao tranh
nhau giành ghế Tổng Bí thư Đảng Cộng sản thì mong gì có sự thay đổi thể chế
chính trị. “Thôi rồi Lượm ơi”!
02/01/2015
T. T.
No comments:
Post a Comment